|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cung (Supply) là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến cung

09:27 | 20/08/2019
Chia sẻ
Cung về một loại hàng hóa (tiếng Anh: Supply) cho ta biết số lượng hàng hoá mà người sản xuất sẵn sàng cung ứng và bán ra tương ứng với các mức giá khác nhau.
supply-chain-la-gi

Hình minh họa. Nguồn: ige-edu

Cung (Supply)

Định nghĩa 

Cung trong tiếng Anh là Supply. Cung là số lượng hàng hóa hay dịch vụ mà người bán có khả năng và sẵn sàng bán ở các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định.

Đặc trưng

Giống như cầu, cung bao gồm hai yếu tố cơ bản là khả năng báný muốn sẵn sàng bán.

Chẳng hạn nếu trong kho của bạn có sẵn hàng hóa nhưng hiện tại thị trường trả giá quá thấp nên bạn không muốn bán. Khi đó cung trong trường hợp đó bằng 0.

Ngược lại có lúc giá rất cao nhưng trong kho của bạn không có hàng và trong trường hợp này cung của bạn cũng bằng 0.

Thuật ngữ liên quan

Lượng cung là lượng hàng hóa hay dịch vụ mà người bán sẵn sàng bán và có khả năng bán ở một mức giá đã cho trong một khoảng thời gian nhất định.

Các yếu tố ảnh hưởng đến cung

(1) Giá cả của hàng hóa - dịch vụ

Giá cả là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng quyết định đến số lượng sản phẩm mà doanh nghiệp muốn sản xuất và cung ứng. Nếu giá cả tăng lên thì khi bán sản phẩm doanh nghiệp sẽ có mức lãi cao hơn. 

Vì vậy doanh nghiệp sẽ làm việc nhiều hơn, mua thêm máy móc thiết bị, thuê thêm nhân công và sản lượng cung ứng cũng sẽ tăng lên. Ngược lại khi giá cả thấp thì mức lãi của bạn sẽ giảm xuống, vì vậy bạn phải thu hẹp sản xuất, thậm chí có thể ngừng sản xuất hoàn toàn và lượng cung của bạn sẽ giảm dần xuống 0.

(2) Giá cả các yếu tố sản xuất (giá cả các yếu tố đầu vào)

Để sản xuất ra sản phẩm doanh nghiệp phải sử dụng nhiều yếu tố đầu vào khác nhau như: nhà xưởng, máy móc thiết bị, lao động, nguyên vật liệu...

Nếu giá của một trong các yếu tố đầu vào tăng lên thì chi phí sản xuất ra một đơn vị sản phẩm sẽ cao hơn và do đó doanh nghiệp sẽ lãi ít hơn. Trong trường hợp này doanh nghiệp sẽ phải giảm sản lượng sản xuất.

Ngược lại, nếu giá của các yếu tố đầu vào giảm xuống thì việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ lãi nhiều hơn và doanh nghiệp sẽ sản xuất nhiều sản phẩm hơn.

Như vậy, cung về một mặt hàng hóa có mối quan hệ tỉ lệ nghịch với giá cả của cá yếu tố đầu vào được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó.

(3) Công nghệ

Công nghệ sản xuất cũng là một yếu tố quan trọng quyết định cung. Nếu bạn sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại thì năng suất lao động sẽ tăng lên, chi phí để sản xuất một đơn vị sản phẩm sẽ ít đi, chất lượng sản phẩm sẽ cao hơn, bạn sẽ lãi nhiều hơn và do đó số lượng sản phẩm mà bạn cung ứng ra thị trường sẽ tăng lên.

(4) Kì vọng

Lượng sản phẩm mà bạn cung ứng hôm nay cũng có thể bị ảnh hưởng bởi kì vọng của bạn về tương lai. Chẳng hạn nếu dự kiến giá bán sản phẩm của bạn trong thời gian tới tăng lên thì bạn sẽ để lại một phần sản phẩm vào kho và hiện tại lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường sẽ ít hơn.

(5) Chính sách của chính phủ

Chính sách của chính phủ cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đến lượng cung. Chẳng hạn như mức thuế cao sẽ làm chi phí sản xuất tăng lên, thu nhập của doanh nghiệp sẽ ít hơn và do đó doanh nghiệp sẽ giảm sản lượng sản xuất.

Ngược lại, chính phủ có sự ưu đãi về thuế thì thu nhập của doanh nghiệp sẽ tăng lên và doanh nghiệp sẽ muốn sản xuất nhiều hơn.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vi mô, NXB Hà Nội)

Minh Lan

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.