Cầu (Demand) là gì? Các nhân tố ảnh hưởng đến cầu
Hình minh họa. Nguồn: bworldonline
Cầu (Demand)
Định nghĩa
Cầu trong tiếng Anh gọi là Demand. Cầu là số lượng hàng hóa hay dịch vụ mà người mua sẵn sàng mua và có khả năng mua ở các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định.
Phân biệt cầu và nhu cầu
Nhu cầu là toàn bộ những mong muốn vô hạn của con người.
Cầu là những mong muốn có thể thực hiện được trong từng điều kiện, hoàn cảnh nhất định.
Các nhân tố ảnh hưởng đến cầu
(1) Thu nhập của người tiêu dùng
Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cầu trong một thời gian xác định. Thu nhập của người tiêu dùng có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mua sắm của người tiêu dùng.
Khi thu nhập tăng lên thì khả năng mua sắm của người tiêu dùng tăng lên và nhu cầu của họ về hàng hóa cũng tăng lên và ngược lại. Chẳng hạn khi thu nhập hàng tháng của bạn tăng lên bạn sẽ mua nhiều đồ dùng cá nhân hơn, còn ngược lại khi bạn bị giảm thu nhập, có nghĩa là tổng mức chi tiêu của bạn giảm đi và vì vậy bạn sẽ chi tiêu ít hơn để mua một số hàng hóa và cũng có thể là hầu hết hàng hóa.
Những hàng hóa mà có nhu cầu tăng lên khi thu nhập tăng gọi là hàng hóa thông thường.
Còn những hàng hóa có cầu giảm đi khi thu nhập tăng gọi là hàng hóa thứ cấp.
(2) Giá cả hàng hóa có liên quan
Cầu về hàng hóa không chỉ phụ thuộc vào giá cả của bản thân hàng hóa đó mà nó còn phụ thuộc vào giá cả của các mặt hàng có liên quan.
Giả sử giá cá giảm đi thì người ta sẽ mua nhiều cá hơn. Đồng thời họ sẽ mua ít thịt lợn hơn, vì cá và thịt lợn là hai món hàng có thể thỏa mãn được những nhu cầu tương tự nhau.
Khi sự giảm giá của một hàng hóa làm giảm lượng cầu về một hàng hóa khác, chúng ta gọi chúng là những hàng hóa thay thế.
Hàng hóa thay thế thường là một cặp hàng hóa được sử dụng thay thế cho nhau và cùng đáp ứng một nhu cầu.
Ví dụ: kem và sữa chua đông lạnh, áo thun và áo sơ mi, vé xem phim và băng video...
Ngược lại, khi sự giảm giá của một hàng hóa làng tăng lượng cầu về hàng hóa khác thì hai hàng hóa đó gọi là hàng hóa bổ sung.
Hàng hóa bổ sung là một cặp hàng hóa được sử dụng cùng nhau để phát huy giá trị sử dụng của hàng hóa như xăng và mô tô, máy tính và phần mềm...
(3) Tâm lí, tập quan, thị hiếu của người tiêu dùng
Thị hiếu là sở thích, thói quen hay sự ưu tiên của người tiêu dùng đối với từng loại hàng hóa hay dịch vụ.
Khi bạn thích một loại hàng hóa nào đó thì bạn sẽ mua nó nhiều hơn, chẳng hạn như bạn tích uống sữa tươi thì bạn sẽ mua nó nhiều hơn.
Ngược lại đối với hàng hóa mà bạn chưa quen dùng thì cầu về loại hàng đó sẽ thấp. Tuy nhiên việc nghiên cứu thị hiếu là rất phức tạp vì thị hiếu là thứ không thể quan sát trực tiếp được.
Vì vậy, các nhà kinh tế giả định rằng thị hiếu không thay đổi hoặc thay đổi rất chậm và thị hiếu độc lập với các yếu tố khác của cầu.
(4) Kì vọng
Kì vọng của bạn về tương lai có thể tác động tới nhu cầu của bạn ở hiện tại. Chẳng hạn, nếu bạn dự kiến sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai thì bạn sẽ có thể sẵn sàng bỏ một số tiền tiết kiệm ra để mua hàng hóa.
Hoặc bạn dự kiến giá một mặt hàng nào đó sẽ giảm trong thời gian tới thì bạn sẽ không mua hàng hóa đó ở hiện tại.
(5) Dân số
Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lượng cầu về hàng hóa. Khi dân số tăng lên thì mức nhu cầu về hàng hóa cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên do khả năng sản xuất và mức thu nhập của người dân, nên qui mô dân số tăng lên thì cơ cấu của nhu cầu sẽ thay đổi.
Đối với các mặt hàng thiết yếu khi dân số tăng lên thì cầu về hàng hóa đó sẽ tăng lên ở mọi mức giá.
Ví dụ: Nhu cầu gạo ở Việt Nam và Trung Quốc
(6) Chính sách của Chính phủ
Các chính sách của Chính phủ trong từng thời kì có ảnh hưởng đến mức thu nhập của người tiêu dùng và giá cả của hàng hóa và dịch vụ. Do đó ảnh hưởng đến cầu về hàng hóa. Chẳng hạn những mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng thì Nhà nước đặt mức thuế cao, do đó giá bán sẽ cao, vì vậy cầu giảm và ngược lại.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vi mô, NXB Hà Nội)