|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hàm tiết kiệm (Saving Function) là gì? Mối quan hệ giữa tiêu dùng và tiết kiệm

13:17 | 19/08/2019
Chia sẻ
Hàm tiết kiệm (tiếng Anh: Saving Function) phản ánh sự phụ thuộc của lượng tiết kiệm dự kiến với lượng thu nhập khả dụng mà hộ gia đình có được.
3DCD2A4A00000578-3177112-image-a-8_1488291274590-crop

Hình minh họa. Nguồn: This is Money

Hàm tiết kiệm (Saving Function)

Định nghĩa

Hàm tiết kiệm trong tiếng Anh là Saving Function. Hàm tiết kiệm phản ánh sự phụ thuộc của lượng tiết kiệm dự kiến với lượng thu nhập khả dụng mà hộ gia đình có được.

Thuật ngữ liên quan 

Tiết kiệm được hiểu là phần vượt quá thu nhập so với chi tiêu tiêu dùng.

Xu hướng tiết kiệm cận biên (Marginal Propensity to save, viết tắt: MPS) phản ánh lượng thay đổi của tiết kiệm khi thu nhập khả dụng thay đổi một đơn vị.

Cách xác định

Nếu kí hiệu hàm tiết kiệm là S 

Xuất phát từ phương trình: Yd = C + S

Suy ra, ta có S = Yd - C

Trong đó:

Yd: Thu nhập khả dụng

C: Tiêu dùng

Thay hàm C = C̅ + MPC x Yd, ta được:

S =  - C̅ + MPS x Yd (1)

Mối quan hệ giữa tiêu dùng và tiết kiệm

Các cá nhân không chỉ tiêu dùng mà còn tiết kiệm từ mỗi đơn vị thu nhập khả dụng bổ sung, do đó tiết kiệm và tiêu dùng là hình ảnh phản chiếu của nhau.

Từ phương trình (1) S =  - C̅ + MPS x Yd

Nếu Y = 0 thì S = - C̅ và tại điểm tiêu dùng vừa đủ thì S = 0.

new-doc-2019-08-19-09

Nguồn: Giáo trình Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế quốc dân

Hai hàm tiêu dùng (Consumption Function) và hàm tiết kiệm (Saving Function) đều mô tả sự tác động của thu nhập khả dụng đối với lượng tiêu dùng và lượng tiết kiệm.

Tuy nhiên, tiêu dùng và tiết kiệm không những phụ thuộc vào thu nhập khả dụng mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Khi những yếu tố này thay đổi thì tiêu dùng và tiết kiệm cũng thay đổi theo, và đường biểu diễn hàm tiêu dùng và hàm tiết kiệm dũng dịch chuyển tương ứng.

Mối liên hệ giữa tiêu dùng và tiết kiệm giải thích lí do độ dốc của hàm tiêu dùng thấp hơn đường 45°.

Độ dốc của đường 45° bằng 1, như vậy nếu hai độ dốc này bằng nhau có nghĩa là mọi người luôn tiêu dùng một lượng đúng bằng lượng thu nhập mà họ kiếm được, cho dù mức thu nhập đó là bao nhiêu.

Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra trên thực tế. Trên thực tế, khi thu nhập tăng lên đến một mức độ nào đó người ta sẽ để ra một phần dành cho tiết kiệm. Thu nhập càng cao thì phần tiền dành cho tiết kiệm sẽ càng nhiều. Vì vậy đồ thị hàm tiêu dùng phải nằm thấp hơn đường  45°, nghĩa là độ dốc của nó thấp hơn.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vĩ mô, NXB Tài chính; Giáo trình Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)

Minh Lan