Năng suất (Productivity) là gì? Các nhân tố quyết định năng suất
Hình minh họa. Nguồn: Nhịp cầu đầu tư
Năng suất (Productivity)
Định nghĩa
Năng suất trong tiếng Anh là Productivity. Năng suất phản ánh lượng hàng hóa và dịch vụ một người công nhân có thể sản xuất ra trong mỗi giờ lao động.
Dễ thấy, năng suất là nhân tố chủ chốt quyết định tốc độ tăng trưởng mức sống.
Các nhân tố quyết định năng suất
(1) Vốn vật chất
Công nhân sẽ làm việc có năng suất hơn nếu họ có nhiều công cụ lao động. Lượng trang thiết bị và cơ sở vật chất được dùng để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ được gọi là vốn vật chất, hay còn gọi là tư bản.
Ví dụ: Khi người thợ mộc làm việc, anh ta cần có cưa, đục, bào, máy tiện... Nhiều công cụ hơn cho phép người thợ làm việc nhanh và chính xác hơn.
(2) Vốn nhân lực
Nhân tố thứ hai quyết định năng suất là vốn nhân lực. Vốn nhân lực là thuật ngữ các nhà kinh tế dùng để chỉ những kiến thức và kĩ năng mà người công nhân thu được thông qua giáo dục, đào tạo và kinh nghiệm.
Vốn nhân lực bao gồm những kĩ năng tích lũy được từ thời kì đi học ở phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, đại học và trong các chương trình đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng trong lực lượng lao động.
(3) Tài nguyên thiên nhiên
Nhân tố thứ ba quyết định năng suất là tài nguyên thiên nhiên. Tài nguyên thiên nhiên là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất do thiên nhiên mang lại, ví dụ như đất đai, sông ngòi và khoáng sản. Có hai loại tài nguyên thiên nhiên: có thể tái tạo và không thể tái tạo.
Rừng cây là một ví dụ về tài nguyên có thể tái tạo. Khi một cái cây bị đốn ngã, người ta có thể trồng cây mới để thu hoạch trong tương lai. Dầu khí là một ví dụ về tài nguyên không thể tái tạo. Vì dầu khí là sản phẩm của thiên nhiên sau hàng ngàn năm biến đổi nên nguồn cung ứng chỉ có hạn. Khi nguồn cung cấp dầu khí cạn kiệt, chúng ta không thể tạo thêm chúng nữa.
(4) Tri thức công nghệ
Nhân tố thứ tư quyết định năng suất là tri thức công nghệ - tức là những hiểu biết về cách thức tốt nhất để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ. Tri thức công nghệ có nhiều dạng.
- Một số công nghệ là tri thức chung - nghĩa là khi một người sử dụng nó, những người khác cũng nhận ra cách làm.
Ví dụ, khi Henry Ford áp dụng thành công cách sản xuất lắp ghép dây chuyền, các nhà sản xuất xe hơi khác cũng nhanh chóng áp dụng công nghệ ấy.
- Nhiều công nghệ mang tính độc quyền - chỉ có công ty phát minh ra nó biết mà thôi.
Ví dụ, chỉ duy có Coca-Cola biết được công thức bí mật pha chế loại nước giải khát nổi tiếng của nó.
- Một số công nghệ khác mang tính độc quyền chỉ trong thời gian ngắn.
Ví dụ: Khi một công ty bào chế dược phẩm phát minh ra một loại thuốc mới, hệ thống bản quyền cho phép công ty đó có quyền duy nhất sản xuất loại thuốc đặc biệt đó trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, khi bản quyền hết hạn, các công ty khác cũng được phép sản xuất loại thuốc đó.
Tất cả các dạng tri thức công nghệ như trên đều có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế.
(Tài liệu tham kháo: Giáo trình Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)