|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tỉ lệ dự trữ bắt buộc (Required reserve ratio) là gì?

14:53 | 12/08/2019
Chia sẻ
Tỉ lệ dự trữ bắt buộc (tiếng Anh: Required reserve ratio) là một qui định của ngân hàng trung ương về tỉ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản.
discount-rates

Hình minh họa. Nguồn: creentrepreneur

Tỉ lệ dự trữ bắt buộc là gì (Required reserve ratio)

Định nghĩa

Dự trữ bắt buộc (Required reserve) là lượng tiền mặt mà các ngân hàng thương mại phải kí gửi vào quĩ dự trữ của ngân hàng trung ương.

Tỉ lệ dự trữ bắt buộc trong tiếng Anh là Required reserve ratio. Tỉ lệ dự trữ bắt buộc là tỉ lệ dự trữ tối thiểu mà các ngân hàng thương mại phải duy trì theo qui định của ngân hàng trung ương.

Mô tả nghiệp vụ

Ngân hàng trung ương có thể tác động tới cung ứng tiền tệ thông qua tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Tỉ lệ dự trữ bắt buộc ảnh hưởng đến lượng tiền mà hệ thống ngân hàng có thể tạo ra từ mỗi đồng dự trữ.

Sự gia tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc hàm ý các ngân hàng phải dự trữ nhiều hơn, do đó cho vay ít hơn từ mỗi đồng mà các ngân hàng nhận được dưới dạng tiền gửi. Kết quả là, tỉ lệ dự trữ của các ngân hàng tăng lên, làm giảm số nhân tiền và làm giảm cung.

Những cách thay đổi trong dự trữ bắt buộc tác động đến cung ứng tiền tệ bằng cách gây ra thay đổi số nhân tiền tệ.

Từ công thức

mm = (1 +C/D) / (rd +ER/D +C/D)

Trong đó:

mm: số nhân tiền

rd: tỉ lệ dự trữ bắt buộc

C: tiền mặt

D: tổng tiền gửi có thể phát hành séc

ER: tổng số tiền dự trữ quá mức

Ta thấy mm tỉ lệ nghịch với rd. Nếu rd giảm thì mm sẽ tăng, MB không đổi dẫn đến MS tăng và ngược lại, cụ thể:

rd↓→mm ↑→MS ↑

Trong đó:

MS: mức cung tiền

MB: lượng tiền cơ sở (lượng tiền mạnh)

Hoặc có thể xét trên một góc độ khác: khi giảm rd thì tỉ lệ cho vay của ngân hàng tăng lên. Từ khoản tiền cho vay tăng, các khoản tiền gửi sử dụng séc sẽ tăng lên, tức là tăng tiền ngân hàng. Nhờ vậy mà khối lượng tiền MS cũng tăng.

Cơ chế tác động:

rd↓→L↑→D↑→MS ↑

Trong đó:

L: Tiền cho vay

D: Các khoản tiền gửi có thể phát hành séc

Liên hệ thực tiễn

Nhìn chung các ngân hàng trung ương rất ít khi thay đổi tỉ lệ dự trữ bắt buộc bởi vì sự thay đổi thường xuyên có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng.

Ví dụ khi ngân hàng trung ương tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc, một số ngân hàng nhận thấy họ bị thiếu hụt dự trữ, mặc dù họ không thấy có sự biến động nào trong tiền gửi.

(Tài liệu tham khảo Giáo trình Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)

Minh Lan