|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hàm cầu (Demand function) và Hàm cung (Supply function) là gì?

09:37 | 20/08/2019
Chia sẻ
Hàm cầu (tiếng Anh: Demand function) và hàm cung (tiếng Anh: Supply function) là biểu thức toán học biểu thị mối liên hệ giữa lượng cầu hoặc lượng cung vào một số yếu tố xác định cầu hoặc cung trong một khoảng thời gian nhất định.
hrda_080515

Hình minh họa. Nguồn: hrdailyadvisor.blr

Hàm cầu và Hàm cung 

Định nghĩa

Hàm cầu trong tiếng Anh là Demand function. Hàm cầu là một biểu thức toán học thể hiện mối quan hệ giữa lượng cầu và các yếu tố xác định cầu về một loại hàng hóa trong một khoảng thời gian nhất định.

Hàm cung trong tiếng Anh là Supply function. Hàm cung là một biểu thức toán học thể hiện mối quan hệ giữa lượng cung và các yếu tố xác định cung về một loại hàng hóa trong một khoảng thời gian nhất định.

Cách xác định

Hàm cầu

Lượng cầu của người tiêu dùng về một loại hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ và chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác nhau như giá cả của chính hàng hóa đó, thu nhập của người tiêu dùng, giá cả của các hàng hóa liên quan, dân số hay số lượng người tiêu dùng tham gia vào thị trường, thị thiếu (sở thích) của người tiêu dùng hay các kì vọng.

Chúng ta có thể tóm tắt ngắn gọn các mối quan hệ đó dưới dạng toán học như sau:

QD = f (P; I; P(x,y); N; E; T)

Trong đó:

QD: Lượng cầu của hàng hóa

P (Price): Giá của hàng hóa, khi giá tăng thì khả năng mua giảm; cầu giảm.

I (Income): Thu nhập của người tiêu dùng, khi thu nhập tăng thì khả năng mua tăng, cầu tăng.

P(x,y): Giá cả của các hàng hóa liên quan P(x,y)

Giá cả của các hàng hóa liên quan bao gồm hàng hóa thay thế và hàng hóa bổ sung.

N (Nation): Dân số hay số lượng người tiêu dùng khi số lượng người mua tăng thì cầu tăng.

E (Expectations): Các kì vọng, khi người mua ki vọng là sắp tới giá sẽ tăng,… thì cầu tăng. hoặc ngược lại tùy thuộc vào kì vọng là gì.

T (Tastes): Thị hiếu (sở thích) của người tiêu dùng

Hàm cung

Lượng cung của các hãng sản xuất kinh doanh trên thị trường chịu có mối quan hệ và chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác nhau như giá cả của chính hàng hóa - dịch vụ đó, giá cả các yếu tố sản xuất (giá cả của các yếu tố đầu vào), công nghệ, các kì vọng và chính sách của chính phủ (cụ thể là chính sách thuế).

Ta có thể biểu diễn mối quan hệ giữa lượng cung với các yếu tố quyết định cung dưới dạng toán học như sau:

QS = f (P; Pi; T; E; t)

Trong đó: 

QS: lượng cầu của hàng hóa

P (Price): giá cả của hàng hóa đó

Pi: giá của các yếu tố đầu vào

T (Technology): công nghệ sản xuất

E (Expectations): Các kì vọng

t (tax): chính sách thuế của chính phủ

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vi mô, NXB Hà Nội)

Minh Lan