|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kế hoạch danh mục đầu tư (Portfolio Plan) là gì?

17:42 | 05/09/2019
Chia sẻ
Kế hoạch danh mục đầu tư (tiếng Anh: Portfolio Plan) là việc doanh nghiệp phải đưa ra quyết định lựa chọn các đơn vị kinh doanh chiến lược và phân bổ nguồn lực cho từng đơn vị kinh doanh.

h%E1%BA%A1ch-to%C3%A1n-n%E1%BB%99p-ti%E1%BB%81n-v%C3%A0o-NSNN

Hình minh họa (Nguồn: Kế toán Calico)

Kế hoạch danh mục đầu tư (Portfolio Plan)

Khái niệm

Kế hoạch danh mục đầu tư trong tiếng Anh gọi là Portfolio Plan.

Kế hoạch danh mục đầu tư là việc doanh nghiệp phải đưa ra quyết định lựa chọn các đơn vị kinh doanh chiến lược và phân bổ nguồn lực cho từng đơn vị kinh doanh. 

Thực sự phần lớn các doanh nghiệp ở một thời điểm cụ thể đều có một danh mục các hoạt động kinh doanh: Đó là các dòng sản phẩm, các đơn vị kinh doanh mà doanh nghiệp đã lựa chọn.

Quản lí một nhóm các lĩnh vực kinh doanh như vậy sẽ dễ dàng nếu các nguồn lực, tiền mặt đầy đủ và mỗi lĩnh vực kinh doanh đều đang tăng trưởng và có lợi nhuận. Tất nhiên, việc cung cấp ngân sách ngày càng lớn hàng năm cho tất cả các lĩnh vực kinh doanh là không thể. 

Nhiều công việc kinh doanh không tăng trưởng, không có lợi nhuận và các nguồn lực tài chính và phi tài chính đang trở nên ngày càng khan hiếm. Trong hoàn cảnh như vậy phải lựa chọn các đơn vị kinh doanh để tập trung đầu tư. 

Người quản lí phải quyết định các lĩnh vực kinh doanh nào phải xây dựng, duy trì, hạn chế hay loại bỏ, hoặc phải bổ sung những lĩnh vực kinh doanh mới, các nguồn lực và hoạt động hiện tại cần tập trung vào các nhóm lĩnh vực kinh doanh có ý nghĩa chiến lược đối với doanh nghiệp.

Phân tích danh mục kinh doanh

Phân tích danh mục kinh doanh (Business portfolio analysis) là sự phân tích các đơn vị kinh doanh chiến lược của một công ty để quyết định mức độ đầu tư cho từng đơn vị kinh doanh chiến lược. Có một số phương pháp giúp người quản lí đánh giá các đơn vị kinh doanh và đề xuất những hướng đầu tư hợp lí.

Tất nhiên, bước đầu tiên trong các phương pháp này là phải nhận dạng các dòng sản phẩm của các lĩnh vực kinh doanh khác nhau và để xác định "một đơn vị kinh doanh chiến lược". Sau khi đã xác định được các đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU- strateric business units) với các đặc điểm sau:

- Các SBU có sứ mệnh khác nhau

- Mỗi SBU có tập hợp khách hàng riêng 

- Mỗi SBU có các đối thủ cạnh tranh riêng.

- Mỗi SBU là một đơn vị kinh doanh riêng biệt hoặc một tập hợp các đơn vị kinh doanh có liên quan với nhau trong sử dụng các nguồn lực kinh doanh. 

- Mỗi SBU có thể được kế hoạch hóa độc lập với các đơn vị kinh doanh khác của doanh nghiệp.

Phụ thuộc vào loại tổ chức mà một SBU có thể là một sản phẩm riêng lẻ, một dòng sản phẩm, một công ty, một xí nghiệp hoặc một phòng quản lí kinh doanh.

Sau khi doanh nghiệp đã nhận dạng và phân loại tất cả các SBU của nó, các nhà quản trị cần sử dụng một số phương pháp để xác định các nguồn lực nên được phân bổ như thế nào giữa các SBU khác nhau. Các phương pháp này được biết như là các mô hình danh mục đầu tư.

Đây chính là một thứ tự ưu tiên phân bổ các nguồn lực hạn chế của doanh nghiệp cho các SBU. Hai phương pháp phân tích thường được áp dụng là ma trận BCG và ma trận GE.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân).

Thanh Hoa