|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xu hướng bán hàng và marketing trong tương lai: Bán lẻ đa kênh lên ngôi, video ngắn là lựa chọn hàng đầu của marketer

10:20 | 20/06/2023
Chia sẻ
Theo báo cáo của Adsota, xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất của ngành bán lẻ trong tương lai là mở rộng kênh bán hàng, đưa các sản phẩm của thương hiệu lên các mặt trận kinh doanh khác nhau và tận dụng sức mạnh của các nền tảng trực tuyến.

Adsota mới đây đã công bố báo cáo thị trường “Repota 2023: Chuyển dịch xu hướng marketing và kiến tạo hướng đi mới”, được phát hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà quảng cáo cập nhật những xu hướng mới nhất và tìm ra giải pháp marketing tối ưu.

Báo cáo của Adsota đã đưa ra dự đoán xu hướng marketing và bán lẻ trong tương lai tại Việt Nam. Theo đó, các tác giả của báo cáo đưa ra dự đoán rằng bán lẻ đa kênh sẽ chiếm ưu thế dựa trên các nghiên cứu và khảo sát.

Theo khảo sát của Sapo với 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng trên toàn quốc về tình hình kinh doanh năm 2022 cho thấy, 57,65% người kinh doanh tại Việt Nam có ít nhất hai kênh bán hàng, bao gồm cửa hàng vật lý và một vài kênh trực tuyến khác. Tỷ lệ người chỉ bán hàng trực tiếp là 23,71% và người chỉ bán trực tuyến là 17,35%.

Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu qua các kênh. (Nguồn: Adsota - Doanh Chính tổng hợp).

Nhà bán hàng đa kênh thể hiện rõ ưu thế về doanh thu so với các nhà bán hàng chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc chỉ bán online. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của những nhà bán hàng đa kênh là 68,01%, trong khi tỷ lệ này ở những thương hiệu chỉ bán trực tuyến là 16,9% hoặc chỉ trực tiếp tại cửa hàng là 15,07%.

Thống kê của Metric cho biết, thương mại điện tử quý I năm 2023 tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là hình thức bán hàng được ưa chuộng nhất trong năm 2022 với tỷ trọng 49,69%. Theo sau đó lần lượt là Facebook (39,13%) và Website (9,94%). Tik Tok Shop, tính năng mua sắm mới xuất hiện năm 2022 trên nền tảng video ngắn lớn nhất thế giới - TikTok hiện đang chiếm 1,24% thị phần chung.

 Nền tảng bán hàng được ưa chuộng nhất. (Nguồn: Adsota - Doanh Chính tổng hợp).

Tuy nhiên, dự kiến trong năm 2023, Tik Tok Shop sẽ còn bùng nổ hơn nữa khi shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) trên nền tảng này là một lợi thế cạnh tranh lớn nhằm tối ưu tỷ lệ chuyển đổi, thúc đẩy khách hàng đưa ra quyết định.

Dự đoán trong những năm tới, xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất của ngành bán lẻ là mở rộng kênh bán hàng, đưa các sản phẩm của thương hiệu lên các mặt trận kinh doanh khác nhau và tận dụng sức mạnh của các nền tảng trực tuyến. Những người mua hàng bán lẻ sẽ trở thành khách hàng "số", họ chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì hoặc gia tăng mức độ sử dụng các sàn thương mại.

Bên cạnh đó, báo cáo của Adsota cũng tin rằng Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) sẽ trở thành xu hướng dẫn đầu đường đua thương mại điện tử. Theo đó, báo cáo nhận định rằng giờ đây, việc bán hàng không còn đơn thuần chỉ xoay quanh giữa kẻ mua và người bán.

Với sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, đó là sự kết hợp giữa mua sắm (shopper) và giải trí (entertainment.) Shoppertainment được dự đoán là mô hình phù hợp nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong việc lấp đầy những cảm xúc vui vẻ, thoải mái trong trải nghiệm mua sắm trực tuyến của mình.

Theo báo cáo Future of Commerce 2022 của TikTok, thị trường mua sắm giải trí dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD trong khu vực APAC (châu Á – Thái Bình Dương) vào năm 2025.

Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa của ngành thương mại điện tử sẽ tăng trưởng từ 500 - 700 tỷ USD trong giai đoạn năm 2022 - 2025. Đồng thời, cũng trong thời điểm này, tổng giá trị hàng hóa từ hoạt động mua sắm giải trí tăng trưởng từ 24 – 100 tỷ USD.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong 6 thị trường trọng điểm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về mua sắm giải trí thuộc khu vực APAC bên cạnh Australia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Video ngắn là lựa chọn hàng đầu của các marketer

Báo cáo của Adsota nhận định rằng trong năm 2023, video ngắn sẽ không ngừng phát triển và liên tục tạo ra những ảnh hưởng lan truyền trên toàn bộ các nền tảng truyền thông mạng xã hội.

Nền tảng mà người dùng internet Việt xem video ngắn nhiều nhất. (Nguồn: Adsota - Doanh Chính tổng hợp).

Theo Statista, nền tảng mà người dùng internet Việt Nam xem video ngắn nhiều nhất là TikTok (41%), kế tiếp là mạng xã hội Facebook (27%) và cuối cùng là Youtube (26%.) Sự có mặt của những tính năng tương tự TikTok như Facebook Reels, Instagram Reels hay Youtube Shorts đã đặt nền móng cho sự ra đời của hàng loạt các video với dung lượng thời gian từ 30 giây - 3 phút trên mọi nền tảng.

Theo Hubspot, 83% các marketer từng sử dụng video ngắn trong các chiến dịch marketing họ thực hiện đều cho rằng, đây là hình thức hiệu quả nhất đối với thương hiệu của họ, đặc biệt khi đối tượng công chúng mục tiêu là Gen Z và Gen Millennials.

Nghiên cứu cũng đồng thời cho thấy 54% đội ngũ marketer đang hàng ngày làm việc trên các nền tảng mạng xã hội cho rằng họ ứng dụng video ngắn nhiều nhất trong số các hình thức nội dung khác.

Bên cạnh đó, 33% trong số họ có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng video ngắn so với những hình thức khác. Không chỉ phổ biến, các nội dung video dạng ngắn còn đem lại những hiệu quả truyền thông rõ rệt khi 83% trong số họ khẳng định đây là phương pháp hiệu quả nhất mà họ từng sử dụng. Ngoài ra, 42% các marketer chưa từng sử dụng video ngắn chắc chắn sẽ thử sử dụng hình thức này lần đầu vào năm 2023.

Tỷ lệ ROI trên các nền tảng mạng xã hội. (Nguồn: Adsota - Doanh Chính tổng hợp).

Theo báo cáo xu hướng Social Media toàn cầu 2023 của Hubspot, short-video có mức đầu tư ngân sách ít hơn so với các video dài và tỷ lệ ROI (tỷ lệ hoàn vốn) được ghi nhận là cao nhất trong chiến lược marketing trên mạng xã hội với 30%. Bên cạnh đó, doanh thu từ quảng cáo video ngắn đã đạt 10 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến tăng trưởng hơn nữa trong năm 2023.

Doanh Chính