|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đường đua bán lẻ dược phẩm: Long Châu đi đầu, An Khang ở đâu?

16:00 | 09/06/2023
Chia sẻ
Bằng việc đi trước, Long Châu đã chiếm thế thượng phong trong chuỗi bán lẻ dược phẩm khi độ phủ chuỗi rộng khắp, độ nhận diện thương hiệu cao hơn hẳn so với đối thủ cùng ngành.

Nguồn: Brands Vietnam.

Trên thị trường bán lẻ dược phẩm theo chuỗi, Thế Giới Di Động mà đại diện là An Khang đang tỏ ra đuối sức khi so sánh với Long Châu của FPT Retail. Mới đây, báo cáo thị trường của Q&Me đã đặt các chỉ số hai chuỗi này cạnh nhau qua đó làm nổi bật cuộc đua giữa các nhà bán lẻ.

Năm 2022, chuỗi nhà thuốc FPT đạt 9.596 tỷ đồng thì chuỗi cửa hàng bán thuốc của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài chỉ đạt 1.500 tỷ đồng. Số lượng Long Châu cũng áp đảo với 937 cửa hàng so với 500 điểm bán của An Khang (số liệu tính đến hết năm 2022).

Tính trung bình mỗi nhà thuốc Long Châu hàng ngày đạt doanh thu hơn 28 triệu đồng trong khi con số này ở An Khang là hơn 9 triệu đồng, tức chỉ bằng 1/3 so với đối thủ.

 Nguồn: Q&Me.

Vạch xuất phát 

Thế Giới Di Động tham gia vào thị trường bán lẻ dược phẩm từ khá sớm, nhưng không hiểu vì lý do gì họ lại chậm chân hơn so với đối thủ ở giai đoạn sau này. Chuỗi An Khang tiền thân là chuỗi Phúc An Khang được tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài mua lại 49% hồi năm 2018. 

Đây có thể coi là động thái sớm nhất của đơn vị bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong mảng dược phẩm. Tuy nhiên, phải 4 năm sau, đến cuối năm 2021, Thế Giới Di Động mới nắm quyền kiểm soát chuỗi này khi nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 100%.

Khi ấy, An Khang đang có 178 nhà thuốc và hiện diện tại 25 tỉnh thành khu vực phía Nam. Đến năm 2022, Thế Giới Di Động đã đầu tư mở mới hơn 300 nhà thuốc, nâng tổng số lên 500 nhà thuốc.

Khác với đối thủ, Long Châu đã tỏ ra hăng hái ngay trong những ngày đầu nhập cuộc. Khi chính thức về tay FPT Retail năm 2017, Long Châu mới chỉ có 8 nhà thuốc hiện diện tại TP HCM. Để chuẩn bị cho thị trường mới, ngay năm sau đó, FPT Retail thành lập công ty con là Dược phẩm FPT Long Châu với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó công ty góp 75% vốn.

Tháng 11/2019, công ty hoàn thành việc mở 70 cửa hàng Long Châu. Đến năm 2022, Long Châu đẩy mạnh quá trình mở cửa hàng khi mở mới 600 điểm bán trong một năm - vượt xa kế hoạch đề ra ban đầu.

Cuối năm ngoái, số nhà thuốc Long Châu đã vượt quá 1.000 cửa hàng, phủ sóng tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc.

 

Đường đua lợi nhuận

Theo báo cáo từ Công ty chứng khoán ACB, top đầu bán lẻ dược phẩm theo chuỗi tại Việt Nam gồm Long Châu, Pharmacity và An Khang. Tuy nhiên, Long Châu đã có lãi từ năm 2021 nhưng hai chuỗi còn lại thì vẫn chưa.

Thực tế, theo báo cáo tài chính hợp nhất được doanh nghiệp công bố, năm ngoái Long Châu ghi nhận doanh thu đạt 9.596 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ. Chuỗi nhà thuốc lãi 52 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với mức 5 tỷ đồng của năm 2021.

Biên lợi nhuận gộp của Long Châu đạt 23,6% trong 2022, so với 20,9% trong 2021. Mặc dù biên lợi nhuận này vẫn có khả năng mở rộng hơn nữa. Theo tính toán của ACB, với giả định 400 cửa hàng mở mới trong 2023, Long Châu có thể ghi nhận tăng trưởng doanh thu là 49,3% và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 67%. 

Trên cơ sở đó, năm nay, công ty kỳ vọng chuỗi nhà thuốc sẽ đem về 14.000 tỷ đồng. Mục tiêu của Long Châu đặt ra trong bối cảnh người dân đang thắt chặt chi tiêu. Để đối phó với điều này, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail cho biết, Long Châu sẽ mở rộng các chuỗi nhà thuốc vào khu dân cư.

Chiến lược này sẽ giúp công ty có thêm khách hàng mới, đồng thời có thể lấy được khách hàng từ các chuỗi nhà thuốc khác, đồng thời Long Châu sẽ không chỉ dừng lại ở nhà thuốc và bán thuốc. Ban lãnh đạo công ty cho biết hiện 99% cửa hàng Long Châu mở mới đã có lãi sau 6 tháng.

 

Cùng xuất phát điểm như Long Châu, song An Khang lại đang phải đối mặt với bài toán lợi nhuận đau đầu hơn. 

Năm ngoái, An Khang đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng và báo lỗ 306 tỷ đồng. Con số này cao gấp chục lần so với số lỗ 6,4 tỷ đồng năm 2020 hay lỗ 5,9 tỷ đồng năm 2019. Nếu theo dõi có thể thấy, thời gian qua chiến lược của An Khang đã bị thay đổi chóng mặt.

Đầu năm, tại cuộc họp với nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định muốn kiếm lợi nhuận trong ngành thuốc thì thời điểm này là phù hợp để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc. Do đó, trong 6 tháng đầu năm, An Khang mở rộng mạnh mẽ, tăng từ 178 cửa hàng lên hơn 500 cửa hàng.

“Nhìn nhận chung, ngành thuốc sau đợt dịch vừa rồi có những bước phát triển tốt. Trước đây, ngành thuốc cơ bản chỉ có thuốc chữa bệnh là chính, nhưng sau đợt dịch vừa rồi thì thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cũng có những tăng trưởng rất ngon lành”, người đứng đầu Thế Giới Di Động dự báo.

Tuy nhiên, đến tháng 11, sau khi ông Đoàn Văn Hiểu Em làm Giám đốc chuỗi, chiến lược của An Khang lại thay đổi 180 độ khi cho rằng công ty sẽ dừng mở rộng chuỗi An Khang vì thị trường "quá nhiều biến đổi và khó khăn”.

“Việc chậm lại 1 nhịp cho hơn 500 cửa hàng như vậy cũng là cơ hội để đánh giá, nhìn nhận lại, tối ưu hóa tất cả mọi thứ với 500 cửa hàng này. Khi làm tốt, có đồng lời thì chúng tôi sẽ tăng tốc ở một thời điểm thuận lợi của năm sau, nhưng thời điểm này chúng tôi quyết định dừng lại ở con số 500”, ông Hiểu Em nói.

Nói về An Khang, ông Nguyễn Đức Tài trong báo cáo thường niên năm 2022 viết: “Đối với An Khang, sau khi đạt quy mô 500 nhà thuốc vào cuối năm 2022, công ty đã tạm ngưng mở rộng để tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí để hướng đến vận hành có lợi nhuận. 

Ngoài ra, Thế Giới Di Động cũng thu hẹp các chuỗi mới, chấm dứt những thử nghiệm mà không có tiềm năng tăng trưởng đủ lớn trong tương lai. Tôi tin rằng mỗi thành công hay thất bại đều mang lại bài học kinh nghiệm sâu sắc, là trải nghiệm quý báu giúp đội ngũ lãnh đạo kế thừa luôn tỉnh táo, thận trọng và kỷ luật trong các quyết sách điều hành doanh nghiệp”.

Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, thị trường bán lẻ dược phẩm có tính phân mảnh rất cao, với hơn 50.000 nhà thuốc hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Dự báo doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026.

Con số trên cho thấy nhiều dư địa phát triển cho các đại gia bán lẻ. Những đơn vị này hứa hẹn sẽ làm thay đổi cuộc chơi của thị trường dược phẩm, đặc biệt là khi hiện nay chuỗi nhà thuốc hiện đại mới chỉ chiếm lĩnh 15% thị trường.

Do đó, với kinh nghiệm “chinh chiến” trong bán lẻ và mở chuỗi của Thế Giới Di Động và cơ sở tăng trưởng tốt của Long Châu, thị trường hứa hẹn sẽ có màn “rượt đuổi” ấn tượng trong thời gian tới.

Đức Huy