Chủ sở hữu Kichi-Kichi, Vuvuzela,... đổi tên sau 18 năm
Mới đây, CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã công bố đã thay đổi tên công ty cũng như con dấu. Theo đó, CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng đã chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Golden Gate kể từ ngày 2/6.
Các thông tin khác như người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh… vẫn được giữ nguyên.
Con dấu của công ty trong nghị quyết công bố ngày 31/5/2023 cũng đã thay đổi, từ Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành Tập đoàn Golden Gate (Golden Gate Group JSC).
Bên cạnh đó, công ty cũng đã tiến hành thay đổi bộ logo nhận diện của thương hiệu.
Golden Gate cho biết việc thay đổi tên thương hiệu và logo là một phần quan trọng trong việc khẳng định tầm nhìn của Golden Gate trong thời gian tới, đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới và mang mô hình ẩm thực quốc tế về Việt Nam
Ông Đào Thế Vinh, Tổng Giám Đốc Golden Gate cũng chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, ẩm thực Việt Nam có tiềm năng lớn và có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế với những giá trị về hương vị đa dạng, nguyên liệu tươi ngon và sự tinh tế trong cách chế biến.
Ngoài việc đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, chúng tôi cũng sẽ mang mô hình ẩm thực trên thế giới về Việt Nam. Golden Gate đã và sẽ tiếp tục tạo ra những không gian ẩm thực hiện đại, sáng tạo và phù hợp với nhu cầu của khách hàng.”
Golden Gate được thành lập năm 2005, có địa chỉ trụ sở chính tại số 60 Giang Văn Minh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Công ty đăng ký kinh doanh chính thức vào năm 2008.
Theo giới thiệu, hiện công ty đang sở hữu 22 thương hiệu cùng gần 400 cửa hàng tại 45 tỉnh, thành. Một số thương hiệu nổi tiếng thuộc hệ sinh thái của Golden Gate có thể kể tới như chuỗi nhà hàng lẩu Manwah, Kichi-Kichi, Hutong; chuỗi nướng Sumo, GoGi House; nhà hàng Nhật Isushi, Daruma,...
Về tình hình kinh doanh, năm 2022 của Golden Gate ghi nhận mức doanh thu 6.965 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2021. Công ty báo lãi ròng 658,3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 431 tỷ đồng). Đây cũng là kết quả cao nhất mà doanh nghiệp đạt được kể từ năm 2018 tới nay.
Trước đó, năm 2021, doanh thu của Golden Gate giảm 1.241 tỷ, tương ứng giảm 27,2% về mức 3.318 tỷ đồng, nhất là ở mảng bán thực phẩm và đồ uống. Lợi nhuận gộp thu về hơn 1.900 tỷ đồng, sụt khoảng 30% so với năm 2020. Biên lãi gộp chỉ thu hẹp từ 59,5% xuống 58,1%.
Doanh thu giảm sút mạnh nhưng các chi phí tiết giảm với mức thấp hơn nên cả năm, công ty lỗ sau thuế hơn 430 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 64 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên công ty thua lỗ kể từ năm 2008. Dù vậy, tổng số lãi lũy kế đến hết năm 2021 là 785 tỷ đồng.
Kế hoạch trong năm 2023, Golden Gate sẽ triển khai mở rộng hoạt động sang mảng bán lẻ và đầu tư ra nước ngoài. Tháng 11/2022, Hội đồng quản trị Golden Gate đã công bố đầu tư ra nước ngoài bằng việc thành lập công ty tại nước ngoài số vốn đầu tư hơn 4 triệu USD. Mục đích kinh doanh là tư vấn, nhượng quyền thương mại, vận hành nhà hàng, phân phối thực phẩm.