|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi bánh và đồ uống nổi tiếng của Mỹ rút khỏi Việt Nam

10:03 | 05/06/2023
Chia sẻ
Ngày 1/6, chuỗi bánh và đồ uống Auntie Anne’s của Mỹ thông báo dừng hoạt động tại Việt Nam.

“Auntie Anne's Việt Nam gửi lời chào tạm biệt. Cám ơn các Annies đã luôn yêu thương và ủng hộ Auntie Anne’s trong hơn 4 năm vừa qua. Auntie Anne's Việt Nam xin phép được dừng hoạt động kể từ ngày 1/6/2023 tại tất cả các cửa hàng”, thông báo của chuỗi cửa hàng này cho hay.

Auntie Anne’s chính thức có mặt tại Việt Nam từ tháng 7/2019 với cửa hàng đầu tiên tại 31 Hàng Khay. Đến thời điểm đóng cửa, Auntie Anne’s có 2 chi nhánh tại đường Quán Sứ và Chùa Láng (Hà Nội). 

Đây là thương hiệu có nguồn gốc từ Mỹ, với 30 năm hoạt động tại 26 quốc gia trên thế giới. Auntie Anne’s phục vụ món ăn đường phố với những chiếc bánh xoắn pretzel tạo hình độc đáo, được chế biến thủ công ngay tại chỗ.

Về đồ uống, không chỉ nổi tiếng với “nước chanh vàng Mỹ" thơm mát đặc trưng, khi về tới Việt Nam, Auntie Anne's đã bổ sung thêm nhiều thức uống địa phương hoá khác như trà quýt nha đam, trà sen nhài, cà phê sữa, trà chanh leo kim quất mật ong,…

 Các sản phẩm tạiAuntie Anne’s Việt Nam. (Ảnh:Auntie Anne’s).

Tuy là chuỗi cửa hàng từ Mỹ nhưng giá cả ở Auntie Anne’s khá phù hợp với giới trẻ, với bánh chỉ từ 29.000 đồng/cái tới 49.000 đồng/cái. Trong khi đồ uống có giá từ 29.000 đồng tới 45.000 đồng.

Auntie Anne’s tại Việt Nam được vận hành bởi Công ty TNHH AA Pretzels Việt Nam, thành lập tháng 8/2018 bởi ông Hoàng Hà (sinh năm 1973 tại Thái Nguyên). Ông Hà cũng là CEO của Auntie Anne’s Việt Nam. Ngoài ra, ông Hà còn là đại diện 4 doanh nghiệp khác cũng hoạt động trong lĩnh vực F&B.

Việc AA Pretzels Việt Nam đóng cửa Auntie Anne’s diễn ra trong bối cảnh tháng 6 năm ngoái, thương hiệu này vừa ra thông báo chính thức tìm đối tác kinh doanh, mở cửa hàng tại các thị trường trên cả nước trong mục tiêu nhân rộng và phát triển mạnh hơn tại Việt Nam.

AA Pretzels Việt Nam cho biết khi hợp tác nhà đầu tư sẽ nhận được quyền lợi như: Thương hiệu toàn cầu, uy tín, có nguồn gốc từ Mỹ; chi phí đầu tư hợp lý; được hỗ trợ, tư vấn trọn gói: Lựa chọn mặt bằng, thiết kế cửa hàng, đào tạo nhân sự, tổ chức khai trương… ; chuyển giao công thức, quy trình vận hành và đội ngũ quality control kiểm soát về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, vận hành.

“Với mô hình là hợp tác kinh doanh, Auntie Anne's sẽ cùng đối tác giám sát vận hành, quản trị khách hàng, triển khai các hoạt động quảng bá và phát triển kinh doanh...trong suốt thời gian hợp tác”, phía Auntie Anne's Việt Nam cho hay.

Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến Auntie Anne’s quyết định rời thị trường Việt Nam. Chuỗi bánh và đồ uống này cũng đang hiện diện tại quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia,...

Sự ra đi của các chuỗi F&B ngoại

Không chỉ Auntie Anne’s, đầu tháng 5, Mellower Coffee - một chuỗi cà phê nổi tiếng của Trung Quốc, cũng thông báo dừng kinh doanh tại Việt Nam sau 4 năm hoạt động.

“Với trái tim nặng trĩu, chúng tôi phải chia sẻ với các bạn, Mellower Coffee đã không thể tiếp tục hoạt động tại Việt Nam”, Mellower Coffee viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Tại Việt Nam, Mellower Coffee gia nhập thị trường lần đầu tiên vào năm 2019, tại tầng một của tòa nhà Deutsches Haus trên đường Lê Duẩn, TP HCM. Tiếp đó, thương hiệu mở thêm chi nhánh tại vị trí đắc địa tại tòa nhà The Metropolitan, Quận 1, thay thế cho cửa hàng Coffee Bean & Tea Leaf.

Trước thời điểm Mellower Coffee rút khỏi thị trường, những chuỗi cà phê phong cách ngoại như Gloria Jean’s, New York Dessert Coffee hay The Coffee Bean & Tea Leaf đều đã gặp thất bại.

Đơn cử, năm 2016, New York Dessert Coffee với phong cách châu Âu, đã đóng cửa sau 10 năm kinh doanh tại Việt Nam. Hay Gloria Jean’s cập bến vào Việt Nam năm 2006 và đóng cửa vào năm 2017, The Coffee Bean & Tea Leaf cũng buộc phải thu hẹp hoạt động sau nhiều năm thua lỗ.

Theo một báo cáo của Euromonitor cho thấy, thị trường chuỗi F&B tại Việt Nam có quy mô khoảng 1,3 tỷ USD/năm. Nhưng, tỷ lệ thâm nhập của các thương hiệu ngoại mới chỉ đạt mức 5% do văn hoá ăn uống của người Việt đa phần ưa thích các cửa hàng nhỏ lẻ, ven đường. 

“Chi tiêu cho thức uống phục vụ tại cửa hàng lớn, mặt bằng rộng và chi phí cao vẫn còn ở mức khá thấp so với những nước Đông Á khác, tạo ra một thị trường phong phú nhưng cũng đầy thách thức với các thương hiệu mới”, báo cáo cho hay.

Chí Dũng

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.