|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khi các chuỗi cửa hàng bắt tay ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính: Đâu là lợi thế?

12:19 | 02/06/2023
Chia sẻ
Nở rộ xu hướng các chuỗi cửa hàng bắt tay với ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính nhằm tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng nhất có thể.

Có khoảng 2.000 tài khoản Techcombank được mở mới mỗi ngày trong hệ thống của WinCommerce (WIN, WinMart và WinMart+). Chúng tôi đang làm việc với đội ngũ công nghệ, hướng tới mục tiêu mở mới 5.000 - 6.000 tài khoản Techcombank mỗi ngày vào tháng 12 năm nay”, Tổng Giám đốc Masan Group, ông Danny Le chia sẻ trong ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa qua.

Con số trên khiến các nhà đầu tư quan tâm khi nhìn thấy tiềm năng lớn trong việc kết hợp các chuỗi cửa hàng tiện ích với hệ thống ngân hàng. Không chỉ Masan Group với Techcombank, một chuỗi cửa hàng khác là F88 cũng đang rục rịch “đấu nối” với các ngân hàng quốc tế để triển khai dịch vụ này. 

Có thể thấy, đây là xu hướng trong tương lai của ngành tài chính tại Việt Nam, nhằm tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng nhất có thể. Vậy khi càng nhiều “ông lớn” nhập cuộc, đâu sẽ là lợi thế cạnh tranh giữa họ?

 Techcombank kết hợp với Masan. (Ảnh: Thiên Trường).

WinMart với trợ lực từ ngân hàng nội

Masan và Techcombank được biết đến là bộ đôi doanh nghiệp – ngân hàng điển hình tại Việt Nam với mối quan mật thiết. Trong đó, Masan đang nắm 19,9% vốn tại Techcombank, gần chạm mức trần 20% và là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này. 

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group hiện đang là Phó Chủ tịch thứ nhất tại Techcombank từ tháng 4/2019. Trong khi đó, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng từng có thời gian giữ vị trí Phó Chủ tịch tại Masan Group.

Theo báo cáo mới nhất từ Techcombank, hiện tại ngân hàng đang có 300 điểm giao dịch tại 46 tỉnh, thành trên cả nước. Nếu so với hệ thống bán lẻ của WinCommerce với gần 3.500 cửa hàng trên toàn quốc thì số phòng giao dịch của Techcombank quá khiêm tốn.

Do đó, nửa cuối năm ngoái, Masan Group đã bắt tay Techcombank để cung cấp các dịch vụ tài chính ngay trong mỗi điểm bán lẻ. Khách hàng có thể mở tài khoản Techcombank mới tại WinCommerce, sẽ được tặng tặng thêm 50%, tối đa lên đến 100.000 đồng, cho giá trị đơn hàng đầu tiên khi thực hiện thanh toán một chạm, hoặc quét mã QR tại cửa hàng. Hay thanh toán qua Techcombank Mobile sẽ nhận ưu đãi kép,…

Kết quả như đã nói ở trên, trong 6 tháng triển khai, đã có 100.000 tài khoản Techcombank mở mới và 100 thẻ tín dụng được phát hành trong hai tuần thí điểm. Mục tiêu của chương trình này là nâng tổng số tài khoản mở mới lên 5.000 - 6.000/ngày - một con số đáng mơ ước với nhiều ngân hàng truyền thống.

 

Có khoảng 2.000 tài khoản Techcombank được mở mới mỗi ngày trong hệ thống của WinCommerce (WIN, WinMart và WinMart+). Chúng tôi đang làm việc với đội ngũ công nghệ, hướng tới mục tiêu mở mới 5.000 - 6.000 tài khoản Techcombank mỗi ngày vào tháng 12 năm nay.

Tổng Giám đốc Masan Group, ông Danny Le

Để làm được điều này, Masan đã hợp tác với Techcombank cung cấp giải pháp thanh toán Tpay. Trong đó, người tiêu dùng có thể mở tài khoản ngân hàng Techcombank trong vòng 5 phút với quy trình eKYC được kích hoạt bằng công nghệ Trusting Social khi mua sắm tại các điểm bán lẻ WinCommerce.

Như vậy, với màn kết hợp này, Masan được lợi khi có thể có được data khách hàng, phục vụ mục tiêu cá nhân hoá trải nghiệm mua sắm của từng đối tượng; đưa các điểm bán hàng tạp hoá trở thành điểm cung cấp dịch vụ tất cả trong một nhằm thu hút nhiều khách hàng hơn; giúp khách hàng chi tiêu nhanh chóng, thoải mái trong hệ sinh thái của mình.

Trong khi với Techcombank, dựa vào hệ thống cửa hàng rộng lớn của Masan Group, ngân hàng có thể tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn, gia tăng số lượng tài khoản, triển khai các dịch vụ tài chính dễ dàng với chi phí thấp hơn nhiều so với mở mới một phòng giao dịch.

F88 bắt tay với ngân hàng ngoại

F88 khởi đầu kinh doanh trong lĩnh vực cầm cố và cho vay tài sản. Tuy nhiên, thời gian qua, công ty này đã chuyển hướng định vị thành chuỗi cửa hàng cung cấp các dịch vụ tiện ích tài chính.

Mở đầu trong chiến lược này là đa dạng hóa doanh thu nhờ vào đóng góp ngày càng tăng của thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là đến từ kinh doanh bảo hiểm. Trong 9 tháng đầu năm ngoái, doanh thu từ bảo hiểm ghi nhận 217,5 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng doanh thu. Đặc biệt, 42% hợp đồng bảo hiểm được bán độc lập với các khoản cho vay. 

Bảo hiểm được đánh giá là một nguồn thu nhập tiềm năng cho F88, theo FiinRatings. Trao đổi với người viết, phía F88 cho biết muốn nâng tỷ lệ doanh thu từ bảo hiểm để giảm tỷ trọng của doanh thu từ cho vay cầm cố.

 Một phòng giao dịch F88 tại Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Mặt khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, F88 đang rục rịch hợp tác với các ngân hàng ngoại để cung cấp các dịch vụ tài chính hướng đối tượng unbanked (người không có tài khoản ngân hàng) và underbanked (dưới chuẩn ngân hàng). 

Cụ thể, F88 sẽ đóng vai trò trung gian (hub) của các ngân hàng quốc tế. Khách hàng đến điểm giao dịch F88 sẽ được tư vấn hai gói tài chính: Vay cầm cố từ F88 hoặc vay từ ngân hàng với lãi suất niêm yết. 

 

Việc kết hợp với F88 sẽ giúp CIMB tận dụng chuỗi dịch vụ tài chính tiện ích có độ phủ rộng, nhằm tối ưu hoá trải nghiệm và phục vụ tối đa nhu cầu vay vốn tiêu dùng của những người dân còn hạn chế trong khả năng tiếp cận nguồn vay vốn ngân hàng.

CEO CIMB, ông Thomson Faw Siew Kat

Nếu chọn vay từ ngân hàng, F88 sẽ hỗ trợ khách hàng làm hồ sơ và gửi ngân hàng phê duyệt. Nếu khoản vay được duyệt, ngân hàng sẽ cho F88 vay tiền theo yêu cầu sau đó F88 cho khách hàng vay lại với lãi suất không đổi.

“F88 sẽ có vai trò trung gian và lợi nhuận sẽ được các ngân hàng chi trả. Trong quá trình thử nghiệm, F88 đã giải ngân được khoản tín dụng trị giá chục triệu USD”, theo thông tin được biết.

Trong khi đó, theo tạp chí Điện tử Kinh doanh, ngân hàng đầu tiên mà F88 bắt tay là CIMB Việt Nam.

Theo ông Thomson Faw Siew Kat, Tổng Giám đốc CIMB, việc kết hợp với F88 sẽ giúp CIMB tận dụng chuỗi dịch vụ tài chính tiện ích có độ phủ rộng, nhằm tối ưu hoá trải nghiệm và phục vụ tối đa nhu cầu vay vốn tiêu dùng của những người dân còn hạn chế trong khả năng tiếp cận nguồn vay vốn ngân hàng.

Chúng tôi kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính đến các nhóm khách hàng tiềm năng, góp phần thu hẹp khoảng cách và giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính của người dân thu nhập thấp. Khi nhóm lao động phổ thông được tiếp cận với nguồn tài chính hợp pháp và an toàn, chắc chắn tình trạng “tín dụng đen” sẽ được đẩy lùi”, ông Thomson Faw Siew Kat nói.

F88 phải đảm bảo yếu tố bảo mật thông tin trong hệ thống gồm 850 phòng giao dịch của mình, với những quy chuẩn hết sức khắt khe và mất nhiều thời gian để hoàn thiện hệ thống kết nối này.

Ngoài ra, F88 cũng đang hợp tác với một ngân hàng khác, trước khi ra mắt dịch vụ tài chính này trong năm nay. Trước đó, hồi tháng 2, F88 đã ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank (KBank, Thái Lan) chi nhánh TP HCM. Do đó, rất có thể ngân hàng thứ hai này sẽ là KBank.

Với việc kết hợp này, F88 sẽ tăng được tỷ trọng dịch vụ tài chính đúng theo định hướng, tận dụng được số phòng giao dịch hiện hữu, đồng thời vẫn có lợi nhuận mà không cần nhiều vốn (khoản vay được cấp từ ngân hàng quốc tế). 

Trong khi đó, các ngân hàng sẽ tận dụng lợi thế của F88 nằm ở độ phủ gần 900 phòng giao dịch trên toàn quốc, thậm chí ở khu vực nông thôn - nơi phần nhiều những khách hàng unbanked sinh sống, để có thể tiếp cận với nhiều khách hàng hơn mà không tốn chi phí mở chi nhánh mới.

Thiên Trường