Bức tranh tối của thị trường smartphone: Dự báo doanh số giảm 1,17 tỷ chiếc trong năm nay
Báo cáo Worldwide Quarterly Mobile Phone Tracker mới nhất từ hãng nghiên cứu thị trường IDC dự báo các lô hàng smartphone toàn cầu sẽ giảm 3,2% trong năm nay, tương ứng với 1,17 tỷ chiếc.
Trước đó, vào tháng 2/2023, cũng công ty này dự báo mức giảm 1,1% trong cả năm. Điều chỉnh này chứng tỏ các nhà phân tích tỏ ra bi quan về ngành bán lẻ công nghệ trong thời gian tới. Dự báo diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế yếu hơn và lạm phát đang diễn ra.
Tuy vậy, dự báo vẫn kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi vào năm sau, với mức tăng trưởng 6% so với năm nay.
Giám đốc nghiên cứu Nabila Popal của IDC cho biết: “Chúng tôi đã trao đổi với các kênh, đối tác chuỗi cung ứng và các OEM lớn. Tất cả đều chung dự báo rằng sự phụ hồi có thể chỉ diễn ra vào năm sau, trong khi nhu cầu sẽ yếu đi cho đến cuối năm nay”.
“Nếu 2022 là một năm khủng hoảng hàng tồn, 2023 sẽ là năm cho sự cảnh giác. Mọi doanh nghiệp đều chuẩn bị lượng hàng tồn sẵn sàng để thích ứng với làn sóng hồi phục bởi họ không muốn ở giai đoạn trì trệ này quá lâu. Điều này đồng nghĩa với việc các thương hiệu có thể sẽ đối mặt với rủi ro thất bại hoặc nhận được kết quả tương xứng với sự đánh cược của mình”, ông Nabila Popal chia sẻ.
"Hàng tồn kho vẫn tăng cao ở nhiều khu vực và niềm tin từ các nhà cung cấp vẫn còn thấp", Ryan Reith, Phó Chủ tịch IDC cho biết.
"Chúng tôi tiếp tục thấy sự xuất hiện của nhiều thiết bị có thể gập lại hơn trên thị trường, đây là một bước tiến công nghệ tốt cho ngành, nhưng thời điểm không may do những cơn gió ngược. Bây giờ là lúc để đầu tư vào khách hàng và những gì họ cần và muốn. Hỗ trợ tiếp thị, ưu đãi bán hàng và hỗ trợ quảng cáo nên là ưu tiên trong danh sách đó”, ông nói thêm.
Trong ba tháng đầu năm nay, theo báo cáo từ Canalys, thị trường smartphone toàn cầu đã sụt giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp sụt giảm. Mặc dù các yếu tố kinh tế vĩ mô gây bất lợi cho thị trường trong những quý trước đã phần nào được cải thiện, song thị trường vẫn chưa phục hồi.
- TIN LIÊN QUAN
-
Samsung xây dựng nhà máy mới ở Nhật Bản 15/05/2023 - 14:23
Samsung là nhà cung cấp hàng đầu duy nhất đạt được sự phục hồi hàng quý I, nhưng cũng đã phải vật lộn để trở lại vị trí số một với 22% thị phần trên toàn cầu. Trong khi đó, Apple đã tụt xuống vị trí thứ hai khi chiếm 21% thị phần smartphone toàn cầu. Dù vậy, khoảng cách giữa Apple với Samsung là không đáng kể, phần lớn nhờ nhu cầu vững chắc đối với dòng sản phẩm iPhone 14, đặc biệt là iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max trong quý I.
Nhà cung cấp smartphone Trung Quốc Xiaomi giữ vị trí thứ ba khi chiếm 11% thị phần smartphone toàn cầu trong ba tháng qua, được hỗ trợ bởi việc ra mắt sản phẩm mới vào cuối quý trong khi lượng hàng tồn kho tiếp tục được điều chỉnh.
Hai nhà cung cấp smartphone Trung Quốc khác là OPPO và Vivo đã củng cố vị thế của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thị trường quê nhà Trung Quốc, với thị phần lần lượt là 10% và 8%.
Riêng tại thị trường Việt Nam, doanh số smartphone quý I đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Counterpoint Research, đánh dấu mức sụt giảm lớn nhất từ trước tới nay. Điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn và nhu cầu suy yếu của người tiêu dùng đã hạn chế thị trường điện thoại thông minh của Việt Nam khi mọi người trì hoãn việc mua điện thoại thông minh trong thời gian này.
Nhà phân tích cấp cao Glen Cardoza cho biết: “Tình hình khó khăn trên thị trường điện thoại thông minh Việt Nam khó có thể được giải quyết trong quý II. Thị trường điện thoại thông minh sẽ mất một thời gian để phục hồi trước những khó khăn mà nền kinh tế đang phải gánh chịu.
Việt Nam, một trong những quốc gia xuất khẩu điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, cũng sẽ mong muốn nền kinh tế toàn cầu ổn định. Khi tình hình bắt đầu cải thiện vào cuối năm 2023, thị trường có thể được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, đặc biệt là ở phân khúc giá thấp hơn”.