Lượng người dùng smartphone tại Việt Nam ước đứng thứ hai Đông Nam Á vào năm 2026, thuộc top nhiều nhất thế giới
Vừa qua, Insider Intelligence đã công bố báo về thị trường người dùng smartphone tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 – 2026. Theo đó, trong năm 2022, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam đạt khoảng 62,8 triệu người, tăng 3,6% so với năm trước và chiếm 96% lượng người dùng internet trên cả nước.
Năm 2023, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam dự kiến ở mức 63,8 triệu người, tăng 1,6% so với năm 2022 và chiếm 96,1% lượng người dùng internet trên cả nước. Xét ở khu vực Đông Nam Á, lượng người dùng smartphone ước tính tại Việt Nam tính tới hết năm 2023 chỉ kém mỗi Indonesia, quốc gia có dân số đông nhất khu vực, và lớn hơn tất cả quốc gia khác.
Tính đến năm 2026, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam ước đạt 67,3 triệu người, tăng trưởng 1,7% so với năm trước đó và chiếm khoảng 96,9% lượng người dùng internet. Con số này mặc dù kém so với mức 141,3 triệu người dùng smartphone tại Indonesia cùng thời điểm, song tỷ lệ người dùng smartphone tại Indonesia chỉ chiếm 86,5% lượng người dùng internet tại quốc gia này vào năm 2026, kém xa Việt Nam.
Trong khu vực, dự kiến đến năm 2026, chỉ có Thái Lan là có tỷ lệ người dùng smartphone/người dùng internet cao hơn Việt Nam với tỷ lệ ước tính là 97,9%, song lượng người dùng smartphone tại quốc gia này cũng chỉ ước đạt mức 55,8 triệu người.
Trong khi đó, theo số liệu của Statista, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam năm 2022 là 65,48 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới và thứ ba khu vực, chỉ sau Indonesia với 187,7 triệu người và Philippines với 69,7 triệu người.
Theo dữ liệu của Statista, quốc gia có số lượng người dùng smartphone đứng đầu thế giới là Trung Quốc với 974,69 triệu người. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Ấn Độ với 659 triệu người và Mỹ với 276,14 triệu người.
Mặc dù thị trường smartphone nói chung đang đối mặt với nhiều khó khăn trong suốt năm qua do hành vi của người tiêu dùng thay đổi, hướng đến xu hướng tiết kiệm nhiều hơn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô bất ổn, nhưng thị trường smartphone châu Á lại ghi nhận một số tín hiệu tích cực.
Theo báo cáo mới nhất của Counterpoint Research về thị trường smartphone Đông Nam Á quý IV/2022, khu vực này đã chứng kiến lượng hàng xuất xưởng đối với các dòng điện thoại thông minh giá rẻ tăng 28% so với quý liền trước.
Những đợt ra mắt các sản phẩm mới và nhu cầu bị dồn nén trong suốt hai năm đại dịch COVID-19 đóng vai trò quan trọng trong đợt phục hồi nhu cầu vào ba tháng cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, ở phân khúc điện thoại thông minh cao cấp, nhu cầu cũng được duy trì ở mức ổn định, nhờ đó giúp số lượng lô hàng xuất xưởng trong quý IV/2022 tăng 22% so với quý trước đó.
Báo cáo của Counterpoint Research cũng chỉ ra rằng trong khi nhiều quốc gia trên thế giới chứng kiến nền kinh tế đi xuống, thì một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines lại cho thấy khả năng phục hồi tốt hơn, qua đó khiến nhu cầu tiêu dùng ít bị ảnh hưởng hơn bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Thị trường smartphone Việt dự phục hồi cuối năm 2023
Quý đầu năm nay, hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trên thị trường điện thoại – điện máy tại Việt Nam đã trải qua giai đoạn tương đối khó khăn. Chẳng hạn, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) cho biết doanh thu của hầu hết sản phẩm điện thoại và điện máy giảm giảm từ 25% đến 35% so với cùng kỳ, ngoại trừ máy tính bảng, máy tính xách tay giảm mạnh khoảng 40% - 50%.
Các sản phẩm ICT (điện thoại và điện máy) chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số từ kinh doanh online của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Do đó, doanh thu online của MWG trong ba tháng đầu năm cũng sụt giảm 40% so với cùng kỳ.
Tương tự, Ttheo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – mã: FRT), năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục là năm chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi trong quý IV/2022, bao gồm sức mua mặt hàng ICT suy yếu, tài chính liên tục tăng cao, lạm phát cao, thị trường mua trả góp liên tục suy giảm,… FPT Retail cho biết gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt đến từ chuỗi FPT Shop khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm công nghệ tiếp tục giảm mạnh và khó dự báo về thời gian hồi phục.
Dù vậy, đây mới chỉ là giai đoạn đầu năm, trong khi mùa mua sắm cao điểm đối với các sản phẩm điện thoại – điện máy thường đến vào giai đoạn cuối năm, thời điểm tập trung nhiều lễ hội mua sắm, có thể giúp kích cầu và tăng trưởng doanh số.
Một báo cáo gần đây của SSI Research cũng nhận định rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và sau đó sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm. Do đó, SSI Research nhận định rằng chi tiêu cho các sản phẩm điện thoại & điện máy sẽ giảm 10% so với cùng kỳ trong giai đoạn nửa đầu năm 2023, sau đó dần phục hồi vào giai đoạn cuối năm.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG Nguyễn Đức Tài cũng dự báo hai quý cuối năm 2023, tình hình kinh doanh mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng sẽ khả quan hơn hai quý đầu năm khi vấn đề lạm phát, thất nghiệp, cũng như giải ngân khoản vay tại các công ty tài chính tiêu dùng dần được tháo gỡ.