Thị trường smartphone toàn cầu lao dốc quý thứ 5 liên tiếp
Theo trang tin theo dõi dữ liệu thị trường Canalys, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu trong quý I đã lao dốc 13% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp sụt giảm. Mặc dù các yếu tố kinh tế vĩ mô gây bất lợi cho thị trường trong những quý trước đã phần nào được cải thiện, song thị trường vẫn chưa phục hồi.
Samsung là nhà cung cấp hàng đầu duy nhất đạt được sự phục hồi hàng quý I, nhưng cũng đã phải vật lộn để trở lại vị trí số một với 22% thị phần trên toàn cầu. Trong khi đó, Apple đã tụt xuống vị trí thứ hai khi chiếm 21% thị phần smartphone toàn cầu. Dù vậy, khoảng cách giữa Apple với Samsung là không đáng kể, phần lớn nhờ nhu cầu vững chắc đối với dòng sản phẩm iPhone 14, đặc biệt là iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max trong quý I.
Nhà cung cấp smartphone Trung Quốc Xiaomi giữ vị trí thứ ba khi chiếm 11% thị phần smartphone toàn cầu trong ba tháng qua, được hỗ trợ bởi việc ra mắt sản phẩm mới vào cuối quý trong khi lượng hàng tồn kho tiếp tục được điều chỉnh.
Hai nhà cung cấp smartphone Trung Quốc khác là OPPO và Vivo đã củng cố vị thế của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thị trường quê nhà Trung Quốc, với thị phần lần lượt là 10% và 8%.
Nhà phân tích Sanyam Chaurasia của Canalys cho biết: “Sự sụt giảm của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2023 nằm trong dự đoán của các chuyên gia trong ngành. Các điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn đã tiếp tục cản trở hoạt động đầu tư và hoạt động của các nhà cung cấp tại một số thị trường.
Mặc dù các nhà cung cấp đã thực hiện chiến dịch giảm giá và khuyến mãi rầm rộ, song nhu cầu của người tiêu dùng vẫn tương đối chậm chạp, đặc biệt là ở phân khúc smartphone giá rẻ do lạm phát cao ảnh hưởng đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, nhu cầu suy giảm của người dùng cuối đã gây ra sự biến động lượng hàng tồn kho trong toàn bộ chuỗi cung ứng, với các kênh bán hàng đã giảm lượng hàng tồn kho để đảm bảo hoạt động, qua đó gây ra tác động tiêu cực đến hiệu suất hoạt động của chuỗi cung ứng linh kiện."
Trong khi đó, nhà phân tích Toby Zhu của Canalys nhận xét: “Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận thấy một số dấu hiệu điều tiết trong sự suy giảm liên tục của thị trường. Nhu cầu đối với một số sản phẩm điện thoại thông minh và các mức giá đã được cải thiện.
Hơn nữa, một số nhà cung cấp điện thoại thông minh đang trở nên tích cực hơn trong việc lập kế hoạch sản xuất và đặt hàng linh kiện. Canalys dự đoán rằng hàng tồn kho của ngành điện thoại thông minh, bất kể kênh bán hàng hay nhà cung cấp nào, có thể đạt mức tương đối lành mạnh vào cuối quý II.
Hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán sự phục hồi của nhu cầu chung đối với người tiêu dùng trong vài quý tới. Ngoài ra, các nhà cung cấp đã tập trung nhiều hơn vào đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như kênh phân phối sau một đợt biến động, chuyển từ tăng trưởng về số lượng và thị phần sang tăng trưởng về chất lượng. Bên cạnh đó, việc phổ biến 5G và điện thoại gập (Foldable) cũng đang trở thành động lực mới trong ngành công nghiệp smartphone).