Nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đặt cược vào thị trường Đông Nam Á
Một số nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) hàng đầu của Trung Quốc đang đặt cược rằng tăng cường sự hiện diện tại thị trường Đông Nam Á sẽ giúp phục hồi doanh số bán hàng vào năm 2024 khi sự trở lại của Huawei sẽ làm nóng sự cạnh tranh tại thị trường quê nhà.
Trong tháng 10/2023, Oppo đã tổ chức buổi ra mắt toàn cầu hai mẫu điện thoại thông minh màn hình gập cao cấp là Find N3 và N3 Flip tại Singapore.
Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, Oppo chọn thành phố này làm địa điểm cho sự kiện ra mắt sản phẩm mới.
Giám đốc tiếp thị ở nước ngoài của Oppo Elvis Zhou cho biết nhà sản xuất smartphone lớn thứ tư thế giới coi điện thoại có thể gập lại là điều cần thiết để tiếp thêm năng lượng cho thị trường điện thoại đã bão hòa trong vài năm tới.
Đối thủ nhỏ hơn của Oppo là Tecno, thuộc sở hữu của Transsion Holdings, từ lâu đã tập trung vào các mẫu máy giá rẻ dành cho thị trường châu Phi, nhưng này đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á. Hãng này đã ra mắt điện thoại thông minh màn hình gập mới nhất tại thị trường Singapore, với mục đích tăng cường sự hiện diện trên toàn khu vực.
Hãng tin Nikkei Asia dẫn lời Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Oppo Andy Shi cho hay Singapore là một trung tâm quan trọng có ảnh hưởng cả về kinh tế và chính trị trong khu vực. Oppo ra mắt sản phẩm tại đây để tận dụng lợi thế của nhóm người dùng có ảnh hưởng sử dụng điện thoại cao cấp và thường xuyên đi lại để phát triển hơn nữa trên thị trường.
Ông Shi dự báo Oppo có thể đạt mức tăng trưởng nhẹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2024 bất chấp những bất ổn về kinh tế vĩ mô.
Ông Zhou cho biết thêm lĩnh vực điện thoại thông minh đang trên đà phục hồi vào năm 2024 và 2025, và điện thoại thông minh có thể gập lại sẽ là chìa khóa cho sự phát triển đó.
Theo ông Zhou, mặc dù xuất khẩu điện thoại thông minh không cao, nhưng số lượng điện thoại thông minh có thể gập lại đang tăng hơn 100% mỗi năm.
Giá bán trung bình của các mẫu điện thoại gập cũng cao hơn nhiều so với điện thoại thông minh thông thường. Điều đó tạo rất nhiều giá trị và đó là lý do vì sao hãng tập trung vào sản xuất điện thoại gập cho thị trường nước ngoài.
Oppo từ lâu đã được xếp là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba tại Singapore, nơi hãng này nắm giữ 16% thị phần. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, Samsung và Apple cùng nhau chiếm 71% thị phần.
Dữ liệu của Canalys cho thấy Oppo đã phát triển mạnh ở những nơi khác ở Đông Nam Á, là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Oppo cũng sản xuất một số điện thoại thông minh, trong đó có cả hai mẫu màn hình gập mới nhất, tại Indonesia.
Cơ sở sản xuất quan trọng nhất của hãng này nằm ở thành phố Đông Quan của Trung Quốc, tuy nhiên ông Shi cho biết hãng đã nỗ lực nhiều năm để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đủ điều kiện nhận các ưu đãi của chính phủ để sản xuất thiết bị cho thị trường địa phương.
Dữ liệu của Canalys cho thấy Oppo là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu ở Indonesia.
Theo dự báo của Counterpoint Research, xuất khẩu điện thoại thông minh toàn cầu dự kiến đạt tổng cộng khoảng 1,15 tỷ chiếc trong năm 2023, mức thấp nhất trong một thập niên và giảm 6% so với năm trước đó.
Tuy nhiên, các mẫu điện thoại gập (cả dáng vỏ sò “flip” và quyển sách “fold”) là phân khúc duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng tốt giữa lúc nhu cầu đồ điện tử tiêu dùng trên toàn cầu suy giảm. Counterpoint Research dự báo thị trường điện thoại gập có thể đạt 100 triệu chiếc vào năm 2027, tăng từ mức chỉ 18,6 triệu chiếc trong năm nay.
Samsung đã dẫn đầu trong cuộc đua màn hình gập, trong khi Apple vẫn chưa trình làng iPhone màn hình gập. Ở Đông Nam Á, các nhà sản xuất Trung Quốc đang hy vọng thu hút được người mua cao cấp từ cả hai thương hiệu này.
Nhà phân tích Will Wong thuộc công ty nghiên cứu thị trường IDC, cho biết Đông Nam Á là một trong số ít thị trường mà các hãng điện thoại thông minh Trung Quốc nhìn thấy cơ hội phát triển.
Theo ông Wong, các nhà sản xuất điện thoại thông minh đặt cược lớn vào thị trường Đông Nam Á bởi tình hình tại châu Âu đang bất ổn vì căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài, cuộc khủng hoảng chính trị mới đang nổi lên ở Trung Đông.
Còn tại Trung Quốc, thị trường đang quá đông đúc với sự góp mặt trở lại của Huawei. Ngoài ra họ không có nhiều cơ hội ở Bắc Mỹ.
Huawei đã lặng lẽ ra mắt mẫu điện thoại thông minh 5G cao cấp, Mate 60 Pro và cải tiến chiếc điện thoại có thể gập lại, Mate X5, sử dụng chip tự sản xuất trước khi Apple ra mắt iPhone 15.
Huawei đã thông báo với các nhà cung cấp rằng họ đặt mục tiêu sản xuất tới 70 triệu điện thoại thông minh vào năm 2024, thông tin này khiến các đối thủ trong nước lo ngại về thị phần của mình ở thị trường Trung Quốc.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng 10/2023, khu vực châu Á mới nổi và đang phát triển là khu vực duy nhất trên thế giới có thể kỳ vọng mức tăng trưởng kinh tế hơn 5% vào năm 2024, vượt xa đáng kể so với triển vọng toàn cầu khoảng 3%. Động lực này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2025, với mức tăng trưởng dự kiến là 4,8% cho khu vực.
Transsion đã vượt qua Vivo để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ năm thế giới về số lượng xuất xưởng trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2023 và duy trì đà tăng trưởng trong ba tháng tiếp theo. Dữ liệu của Canalys cho thấy Transsion đã gặt hái thành công nhờ các thị trường mới nổi ở châu Phi và Mỹ Latinh để trở thành nhà sản xuất hàng đầu ở những nước khác, trong đó có Philippines và nằm trong số 5 nhà sản xuất hàng đầu ở Indonesia.
Nhà phân tích Sheng Win Chowcủa Canalys nói với Nikkei Asia rằng Đông Nam Á là nơi tốt để các công ty như Oppo và Transsion phát triển tệp người dùng cao cấp vì Apple không đến đây để đặt cược vào nguồn lực khổng lồ. Nền kinh tế của khu vực đang được cải thiện và bùng nổ.