|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Né thương chiến với Mỹ, xe điện Trung Quốc tràn vào Đông Nam Á

07:16 | 02/07/2024
Chia sẻ
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang nhắm đến triển vọng tăng trưởng dài hạn đầy hứa hẹn ở Đông Nam Á, nơi tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện.

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang sẵn sàng thâm nhập sâu hơn vào khu vực Đông Nam Á, nơi giá trị thị trường cho ô tô năng lượng sạch đang tiến gần đến 100 tỷ USD, theo South China Morning Post. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và châu Âu liên tiếp gây sức ép bằng thuế quan đối với nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Hồi tháng 5, Mỹ áp đặt mức thuế 100% lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc và các nhà sản xuất xe điện cũng là đối tượng bị hạn chế tiếp cận thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lan rộng.

Liên minh châu Âu cũng áp đặt mức thuế lên đến 38% từ ngày 4/7 đối với ba nhà sản xuất xe điện Trung Quốc gồm SAIC, Geely, và BYD. Quyết định này được đưa ra sau cuộc điều tra chống cạnh tranh phát hiện rằng các nhà sản xuất xe này đã hưởng lợi từ sự “trợ cấp không công bằng” của Bắc Kinh, đe dọa làm suy yếu ngành sản xuất xe điện tại châu Âu - nơi những chiếc xe rẻ nhất sản xuất trong nước có thể có giá đắt gấp ba lần so với các mẫu xe Trung Quốc.

Đối mặt với cơ hội hẹp dần ở các thị trường phương Tây, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang nhắm đến triển vọng tăng trưởng dài hạn đầy hứa hẹn ở Đông Nam Á, nơi tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện.

Mẫu xe điện Dolphin của BYD được trưng bày tại một sự kiện ở TP HCM. Hãng xe Trung Quốc dự kiến sẽ công bố dải sản phẩm tới thị trường vào ngày 18/7. (Ảnh: Thành Vũ).

Trong khi nhiều người mua giàu có trong khu vực đã sở hữu xe điện BYD hoặc Ora thì số đông còn lại với hầu bao hẹp hơn là điểm thu hút các nhà sản xuất Trung Quốc. Bà Jiayu Li, Đối tác cấp cao tại Global Counsel, một công ty tư vấn chính sách công ở Singapore, dự báo cú đặt cược lớn của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vào Đông Nam Á có khả năng dẫn đến "cuộc chiến giá không thể tránh khỏi".

Bà Li lấy ví dụ cuộc cạnh tranh giá khốc liệt giữa các nhà sản xuất xe máy Trung Quốc ở Đông Nam Á vào đầu những năm 2000 với các đối thủ Nhật Bản. "Cuộc chiến giá quyết liệt giữa các nhà sản xuất xe máy Trung Quốc nhanh chóng dẫn đến việc cắt giảm chi phí và giảm chất lượng sản phẩm. Điều này vô tình tạo ra lợi thế cho các thương hiệu Nhật giành lại thị phần." bà nói.

“Lập trường địa chính trị tương đối trung lập của Đông Nam Á mở ra cơ hội cho các công ty Trung Quốc”, Gary Ng, Nhà kinh tế cấp cao tại Natixis Corporate and Investment Bank (Hong Kong), nói với tờ This Week in Asia.

Ông Gary chia sẻ thêm: “Trung Quốc sẽ gia tăng sự hiện diện xe điện từ góc độ cung và cầu, nghĩa là sẽ có nhiều xe được bán và sản xuất tại địa phương hơn". Nhà quan sát này nhấn mạnh rằng Indonesia và Thái Lan, hai nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, sẽ là những mục tiêu hàng đầu của các thương hiệu Trung Quốc. BYD, Xpeng và Geely đang rót hàng tỷ USD vào Indonesia, Thái Lan và Malaysia, nhằm chiếm lĩnh thị phần.

Theo báo cáo từ EY-Parthenon, doanh số xe điện tại Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt từ 80 tỷ USD đến 100 tỷ USD vào năm 2035. Trong đó, Indonesia được dự đoán sẽ là thị trường lớn nhất khu vực về quy mô, với doanh số ước tính 4,5 triệu chiếc xe điện.

Doanh số bán xe điện toàn cầu tăng 18% trong quý đầu năm nay, được thúc đẩy bởi nhu cầu tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, dự kiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc sẽ sớm đạt đỉnh và điều này thôi thúc các nhà sản xuất tìm kiếm thị trường nước ngoài.

Ba tháng đầu năm nay, theo Counterpoint Research, doanh số bán xe điện trong khu vực đã tăng gấp đôi, song song với đó là mức giảm 7% của xe động cơ đốt trong. Trong đó hơn 70% doanh số bán xe điện trong khu vực đến từ các thương hiệu Trung Quốc, dẫn đầu là BYD.

Tại một triển lãm ô tô ở Jakarta vào tháng 5, các hãng xe Trung Quốc đã giới thiệu nhiều mẫu xe mới nhằm thu hút người tiêu dùng Indonesia. BYD đang chuẩn bị xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Tây Java, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2026.

Trong khi đó, hãng xe Neta đã ký kết thỏa thuận với công ty lắp ráp ô tô địa phương Handal Indonesia Motor để sản xuất các mẫu xe điện của mình cho thị trường nội địa. “Người dân Indonesia rất quan tâm đến những chiếc xe có giá cả phải chăng nhưng có công nghệ tiên tiến và sáng tạo,” Herman Tri Putra, đại diện bán hàng của Neta tại Jakarta, nói với tờ This Week in Asia.

Indonesia đang có kế hoạch tăng cường sản xuất xe điện nội địa lên khoảng 600.000 chiếc vào năm 2030, với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện và pin điện bằng cách tận dụng trữ lượng niken dồi dào của mình.

 Mẫu xe điện Cloud của nhà sản xuất Wuling tại triển lãm ở Indonesia diễn ra hồi tháng 5. (Ảnh: AFP).

Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Indonesia, khoảng 17.000 xe điện đã được bán tại nước này vào năm ngoái. Tuy nhiên, giá xe điện cao có thể là một rào cản trong việc thu hút người tiêu dùng. Khi mẫu xe mới nhất và giá cả phải chăng nhất của Neta, V-II có giá 200 triệu rupiah Indonesia (12.100 USD), gấp 60 lần mức lương trung bình hàng tháng ở Indonesia.

Tại Malaysia, Geely cho biết đang đầu tư hơn 10 tỷ USD để phát triển các cơ sở sản xuất với đối tác địa phương Proton tại Tanjung Malim, phía bắc Kuala Lumpur – hứa hẹn biến thị trấn nhỏ bé này thành “Detroit” của Malaysia. 

Khoảng 832.000 xe đã được đăng ký tại Malaysia vào năm ngoái, hơn 300.000 trong số đó là các mẫu xe giá rẻ từ các nhà sản xuất ô tô nội địa Proton và Perodua. Những chiếc xe này được bán với giá trung bình 35.000 ringgit (7.400 USD), chưa bằng một phần ba giá của chiếc xe điện rẻ nhất là BYD Dolphin, có giá 99.900 ringgit, chưa bao gồm bảo hiểm. Theo Jigar Shah, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bền vững tại Maybank Investment Banking Group, giá xe điện phải giảm nhiều hơn nữa trước khi chúng trở nên hấp dẫn đối với người tiêu dùng tại Malaysia.

Một số nhà phân tích cho rằng triển vọng cho thị trường Đông Nam Á có thể không sáng sủa như các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc dự đoán. Bởi, các chính sách khuyến khích của các chính phủ có thể không đủ để thu hút người tiêu dùng chuyển sang xe điện.

Quyết định mua xe cũng có thể bị ảnh hưởng bởi lo ngại về giới hạn tầm hoạt động của xe điện. “Lãi suất cao và giá xe cao có thể khiến sự quan tâm của người tiêu dùng đối với xe điện giảm sút ở một số thị trường,” báo cáo của Deloitte viết.

Thành Vũ

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Hạ lãi suất cần cân nhắc đến tỷ giá, tác động từ Fed sẽ có độ trễ
Theo chuyên gia, động thái nới lỏng gần đây của NHNN sẽ giúp hạ lãi suất huy động, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá, nhất là trong bối cảnh Fed hạ lãi suất mới chỉ mang tác động về mặt tâm lý.