|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

10 ‘gã khổng lồ’ định hình kinh tế Đông Nam Á: Năng lượng, thương mại và sản xuất thống trị

10:05 | 19/06/2024
Chia sẻ
Fortune cho biết bảng xếp hạng các công ty lớn nhất Đông Nam Á lần này đã cho thấy mội thị trường năng động và thay đổi nhanh chóng, nơi có 4.000 tỷ GDP và các nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn so với châu Âu hay Mỹ.

Ngày 18/6, lần đầu tiên Fortune công bố danh sách Southeast Asia 500 - top 500 tập đoàn lớn nhất Đông Nam Á. Danh sách được lập dựa trên cuộc khảo sát tại 6 nền kinh tế chủ chốt tại Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Philippines. Kết quả đưa ra dựa trên tiêu chí về doanh thu, lợi nhuận của năm tài chính gần nhất, so sánh với các năm trước đó và tỷ giá hối đoái. 

Top 10 các tập đoàn lớn nhất Đông Nam Á. (Ảnh chụp màn hình).

Trafigura, với doanh thu khổng lồ 244 tỷ USD, thống trị danh sách 500 công ty lớn nhất Đông Nam Á. Không một công ty nào khác trong khu vực báo cáo doanh thu vượt quá 100 tỷ USD.

Được thành lập tại Geneva vào năm 1993, Trafigura đã phát triển thành một công ty thương mại khổng lồ, vận chuyển dầu mỏ, khí đốt, kim loại, năng lượng và hàng hóa số lượng lớn trên toàn cầu, hoạt động kinh doanh tại 150 quốc gia. Để tận dụng mức thuế suất thấp của Singapore, công ty đã chuyển trụ sở pháp lý đến đây vào năm 2012.

Là một công ty tư nhân, Trafigura cho biết họ có khoảng 1.200 cổ đông, gần như tất cả đều là nhân viên của công ty. Tháng 12 vừa qua, tập đoàn tuyên bố chi trả mức cổ tức kỷ lục là 5,9 tỷ USD, tương đương khoảng 5 triệu USD cho mỗi cổ đông.

Hai nhà sản xuất dầu khí thuộc sở hữu nhà nước là PTT của Thái Lan và Pertamina của Indonesia lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và ba trong bảng xếp hạng. Tổng doanh thu của hai công ty dầu khí này chiếm tới 26% tổng doanh thu 500 công ty có tên trong danh sách.

Trong đó, PTT của Thái Lan ghi nhận lợi nhuận năm 2023 đạt 3,2 tỷ USD, tăng hơn 23% so với năm 2022, bất chấp việc doanh thu của họ giảm 6%. Tương tự, dù doanh thu giảm gần 11% trong năm ngoái, song công ty sản xuất dầu khí của Indonesia báo lãi tới 4,4 tỷ USD, tăng gần 17%.

 Một trạm xăng dầu thuộc PTT của Thái Lan. (Ảnh: Reuters).

Đứng thứ 4 trong danh sách của Fortune là Wilmar International - một trong những nhà sản xuất dầu cọ, đường, bột mì và các sản phẩm thực phẩm lớn nhất thế giới. Năm ngoái, tập đoàn ghi nhận lợi nhuận sụt giảm tới 37% xuống 1,5 tỷ USD, doanh thu giảm gần 9% còn 67 tỷ USD. 

Tại Việt Nam, Wilmar International hoạt động qua pháp nhân TNHH Wilmar Agro Việt Nam được thành lập từ năm 2002. Công ty này chuyên về sản xuất cám gạo tách béo, dầu gạo và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Các sản phẩm của công ty được phân phối trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

Olam Group, tập đoàn được thành lập tại Nigeria với hoạt động kinh doanh ban đầu là xuất khẩu hạt điều, sau đó chuyển trụ sở đến Singapore vào năm 1995, đã ghi nhận mức giảm lợi nhuận đáng kể, lên đến 55% vào năm ngoái. 

Olam Group hoạt động tại 60 thị trường trong ba lĩnh vực kinh doanh chính, gồm ofi - chịu trách nhiệm cung cấp các nguyên liệu như ca cao, cà phê và các loại hạt; Olam Agri - tập trung vào các mặt hàng lương thực và nông nghiệp cơ bản như ngũ cốc và dầu ăn. Tập đoàn đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng Southeast Asia 500 và xếp thứ 376 trong top 500 công ty lớn nhất toàn cầu.

Perusahaan Listrik Negara - một tập đoàn thuộc sở hữu của chính phủ Indonesia độc quyền phân phối và sản xuất phần lớn năng lượng điện của đất nước vạn đảo. Năm ngoái, công ty này ghi nhận 32 tỷ USD doanh thu và 1,4 tỷ USD lợi nhuận, lần lượt tăng 8% và 50% đưa họ vào top 6 các tập đoàn lớn nhất Đông Nam Á của Fortune. 

4 vị trí cuối trong top 10 các doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á lần lượt thuộc về CP All, Flex, San Miguel và DBS. Trong đó, CP All - thành lập năm 1988 bởi tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan, là đơn vị độc quyền vận hành tất cả các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven trong cả nước. Hiện nay, CP All điều hành hơn 14.000 cửa hàng tại Thái Lan cùng 85 cửa hàng khác tại Campuchia và Lào.

Flex là một trong những nhà sản xuất theo hợp đồng hàng đầu thế giới, cung cấp các giải pháp toàn diện từ giai đoạn hình thành ý tưởng cho đến hậu sản xuất và bán hàng. Công ty khởi đầu là một doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ vào năm 1969, và chuyển đến Singapore vào năm 1990.

San Miguel là một trong những công ty lâu đời nhất của Philippines, có lịch sử bắt đầu từ một nhà máy bia duy nhất được thành lập vào năm 1890. Thành công từ mảng bia đã giúp doanh nghiệp này phát triển thành một tập đoàn đa ngành, tham gia vào các lĩnh vực năng lượng, bất động sản, tài chính và hạ tầng.

DBS, viết tắt của Development Bank of Singapore (Ngân hàng Phát triển Singapore), là ngân hàng lớn nhất Singapore và cũng là lớn nhất Đông Nam Á. Ngân hàng được thành lập vào năm 1968 bởi chính phủ Singapore nhằm mục đích hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghiệp non trẻ của đất nước. Hiện nay, DBS đang mở rộng hoạt động tại ba thị trường mà họ tin là chìa khóa cho tăng trưởng trong tương lai, gồm Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Quốc.

Đức Huy