|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tại sao Viettel, VNPT, VNG đổ tiền tỷ chạy đua xây dựng trung tâm dữ liệu?

15:06 | 18/06/2024
Chia sẻ
Hết quý I, Việt Nam có 33 trung tâm dữ liệu do 48 nhà cung cấp dịch vụ vận hành, với tổng công suất ước tính khoảng 80 MW.

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI), dịch vụ truyền hình trực tuyến và game online khiến nhu cầu về các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu tại Việt Nam tăng cao. Bên cạnh đó, vào năm 2022, Việt Nam ban hành luật dữ liệu yêu cầu các công ty như Alibaba, Microsoft, Google và Amazon phải lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước.

Trung tâm dữ liệu Viettel tại Hoà Lạc. (Ảnh: Đức Huy).

Alibaba hiện đang thuê chỗ đặt máy chủ từ các công ty viễn thông như Viettel và VNPT. Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua, “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, việc sở hữu trung tâm dữ liệu riêng sẽ giúp Alibaba đảm bảo an ninh dữ liệu cao hơn. Mặc dù các chi tiết cụ thể của kế hoạch, bao gồm chi phí, chưa được công bố, nhưng ước tính chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu có thể tốn hơn 1 tỷ USD.

Tháng 8/2022, Amazon Web Services (AWS) cũng tiết lộ kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu biên - loại hình trung tâm dữ liệu nhỏ nằm gần rìa của mạng lưới, tại cả Hà Nội và TP HCM.

Trong khi đó, ST Telemedia Global Data Centres (STT GDC) của Singapore, công ty cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu trên toàn cầu, đang hợp tác với kỳ lân công nghệ Việt Nam VNG Corporation để phát triển, xây dựng và vận hành các dự án trung tâm dữ liệu tại TP HCM. Liên doanh này sẽ điều hành STT VNG TP HCM 1 (trước đây gọi là Trung tâm dữ liệu VNG) ở Tân Thuận và xây dựng một cơ sở mới, STT VNG TP HCM 2, dự kiến đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2026.

“Các trung tâm dữ liệu đóng vai trò là xương sống của thế giới kỹ thuật số của chúng ta. Ngoài việc là chất xúc tác cho sự đổi mới của các doanh nghiệp và startup Việt Nam, việc đầu tư vào các trung tâm dữ liệu còn có hiệu ứng lan tỏa đến nền kinh tế rộng lớn hơn. Chúng kích thích nhu cầu về các dịch vụ liên quan đến CNTT, giảm phụ thuộc vào các ngành truyền thống và nâng cao khả năng phục hồi của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng bất ổn,” ông Lionel Yeo, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á tại STT GDC, chia sẻ với DealStreetAsia trong một cuộc trao đổi.

“Những khoản đầu tư này cũng cho thấy niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam. Bên cạnh các sáng kiến của chính phủ hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng cường kết nối quốc tế, chúng tạo ra các công việc có giá trị cao cho lực lượng lao động Việt Nam trong các lĩnh vực như khoa học dữ liệu, an ninh mạng, kỹ thuật AI và điện toán đám mây”, ông Yeo nói thêm.

 

Nói về liên doanh, ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành VNG Corporation cho biết: “Khi xây dựng trung tâm dữ liệu tại Tân Thuận, chúng tôi đã lường trước sự gia tăng nhu cầu về trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, do điện toán đám mây và sự phát triển của AI thúc đẩy. Chúng tôi cũng mong muốn mở rộng các sản phẩm và dịch vụ của mình ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt là nguồn lực hạn chế và chi phí cao. Tại thời điểm này, chúng tôi nhận thấy cần hợp tác chiến lược với một đối tác quan trọng trong ngành”.

Theo Savills, tính đến quý I, Việt Nam có 33 trung tâm dữ liệu do 48 nhà cung cấp dịch vụ vận hành, với tổng công suất ước tính khoảng 80 MW. Các cụm trung tâm dữ liệu chính tập trung tại Hà Nội và TP HCM, tương ứng có 16 và 13 cơ sở đang hoạt động. Về mặt địa lý, phần lớn công suất (94%) nằm ở miền Bắc và miền Nam, trong khi khu vực miền Trung chỉ chiếm 6%.

Thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam còn nhỏ so với các nước láng giềng Đông Nam Á như Singapore và Malaysia. Singapore, vốn đã trở thành trung tâm trung tâm dữ liệu của khu vực, đang lên kế hoạch mở rộng công suất trung tâm dữ liệu của mình thêm hơn 30% sau khi tạm dừng xây dựng các cơ sở mới trong giai đoạn 2019-2022, theo Nikkei Asia.

Malaysia cũng sẵn sàng đón nhận các trung tâm dữ liệu đầu tiên của Google và Microsoft. Quốc gia này đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của mình, với nhiều tuyến cáp ngầm hơn, khả năng kết nối trong nước cao hơn và mạng 5G. Điều này đã thu hút sự quan tâm của các công ty nước ngoài, chẳng hạn như nhà điều hành trung tâm dữ liệu của Australia NEXTDC, đang xây dựng một trung tâm 65 MW - cơ sở Tier IV lớn nhất của Malaysia, theo báo cáo gần đây của Savills.

Tuy nhiên, Việt Nam có những lợi thế như chi phí xây dựng hợp lý, vị trí địa lý chiến lược, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, dân số trẻ am hiểu công nghệ và sự ra đời của công nghệ 5G, khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn.

Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam đã tạo ra doanh thu 685 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 1,44 tỷ USD vào năm 2029 - với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13,1%. Các công ty trong nước như Viettel IDC, NTT Global Data Centers, FPT Telecom, CMC Telecom, HTC Telecom International (ECODC) và VNPT hiện đang thống trị thị trường.

 

Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ đặt mục tiêu chuyển đổi 50% doanh nghiệp lên nền tảng kỹ thuật số vào năm 2025. Công nghệ 5G ở Việt Nam sẽ hỗ trợ việc triển khai các trung tâm dữ liệu biên và cung cấp khả năng kết nối được cải thiện cùng dịch vụ giảm thiểu độ trễ.

Cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu đang phát triển nhanh chóng sẽ tác động tích cực đến hệ sinh thái khởi nghiệp đang bùng nổ của Việt Nam.

Ông Bùi Thành Đô, Đồng sáng lập Quỹ đầu tư ThinkZone Ventures, nhấn mạnh vai trò của các trung tâm dữ liệu trong việc tạo thuận lợi cho các dịch vụ internet. Ông Đô cho biết, việc địa phương hóa cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu rất quan trọng đối với tốc độ dịch vụ và trải nghiệm tổng thể của người dùng. "Sự phát triển này dự kiến sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho các startup bằng cách tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của họ, thay vì phụ thuộc vào các cơ sở trung tâm dữ liệu ở xa hơn", ông nói thêm.

Sự phát triển ở Việt Nam phù hợp với ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), ngành này tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và năng động mà không có dấu hiệu chững lại. Structure Research ước tính quy mô thị trường trung tâm dữ liệu colocation của APAC vào khoảng 10.233 MW công suất vào năm 2023 và được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 5 năm là 13,3% lên 19.069 MW vào năm 2028.

Tuy nhiên, mặt trái của sự bùng nổ này là các trung tâm dữ liệu ngốn nhiều năng lượng, gây áp lực lên môi trường. Theo ông Yeo, mức tiêu thụ năng lượng và tác động môi trường của các trung tâm dữ liệu là những vấn đề quan trọng, khiến các nhà vận hành cần phải cải thiện hiệu quả năng lượng và áp dụng các phương thức bền vững để giảm thiểu lượng khí thải carbon.

Khi nhiều dự án được triển khai hơn, nhu cầu về điện năng tăng lên, có khả năng gây áp lực cho lưới điện. Mức tiêu thụ năng lượng gia tăng cũng làm chậm mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Việt Nam đã tuyên bố mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thách thức thứ hai đối với việc mở rộng năng lực trung tâm dữ liệu là phải tạo ra được một lực lượng lao động được trang bị các kỹ năng và kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực như AI, an ninh mạng và phân tích dữ liệu.

“Thách thức sẽ liên quan đến cơ sở hạ tầng truyền tải, nguồn cung cấp điện giá rẻ và các dịch vụ tích hợp trên các trung tâm dữ liệu, đây là nguồn thu chính và yếu tố cạnh tranh,” ông Đô tại ThinkZone Ventures cho biết.

Đức Huy