Lí thuyết danh mục đầu tư hậu hiện đại (Post-Modern Portfolio Theory) là gì? Đặc điểm
Hình minh họa. Nguồn: 123rf.com
Lí thuyết danh mục đầu tư hậu hiện đại
Khái niệm
Lí thuyết danh mục đầu tư hậu hiện đại trong tiếng Anh là Post-Modern Portfolio Theory, viết tắt là PMPT.
Lí thuyết danh mục đầu tư hậu hiện đại (PMPT) là một phương pháp tối ưu hóa danh mục đầu tư sử dụng rủi ro thua lỗ thay vì phương sai trung bình của lí thuyết danh mục đầu tư hiện đại (MPT).
Cả hai lí thuyết đều mô tả cách định giá các tài sản rủi ro và cho rằng các nhà đầu tư hợp lí nên sử dụng đa dạng hóa để đạt được tối ưu hóa danh mục đầu tư. Sự khác biệt của hai lí thuyết nằm ở định nghĩa rủi ro của mỗi lí thuyết và mức độ rủi ro đó ảnh hưởng đến lợi nhuận kì vọng như thế nào.
Đặc điểm lí thuyết danh mục đầu tư hậu hiện đại
Lí thuyết PMPT được hình thành vào năm 1991 bởi hai nhà thiết kế phần mềm Brian M. Rom và Kathleen Ferguson, họ nhận thấy có những sai sót và hạn chế đáng kể với phần mềm dựa trên lí thuyết MPT. Lí thuyết PMPT sử dụng độ lệch chuẩn của lợi nhuận âm làm thước đo rủi ro, trong khi lí thuyết PMT sử dụng độ lệch chuẩn của tất cả lợi nhuận làm thước đo rủi ro.
Rom và Ferguson phát hiện hai hạn chế quan trọng của lí thuyết MPT là: các giả định của nó cho rằng lợi nhuận đầu tư của tất cả các danh mục đầu tư và chứng khoán có thể được thể hiện chính xác bằng phân phối elip kết nối giống như phân phối chuẩn; và phương sai của lợi nhuận danh mục đầu tư là thước đo đầu tư đúng đắn cho rủi ro.
Sau đó, Rom và Ferguson đã điều chỉnh hai hạn chế trên và giới thiệu lí thuyết PMPT của họ năm 1993 trên tạp chí Journal of Performance Management. Lí thuyết PMPT đã và đang tiếp tục phát triển và mở rộng bởi các nhà kinh tế cho đến hiện tại.
Các yếu tố chính của PMPT
Sự khác nhau của rủi ro, được xác định bởi độ lệch chuẩn của lợi nhuận, giữa lí thuyết PMPT và MPT là yếu tố chính trong xây dựng danh mục đầu tư. MPT giả định rủi ro đối xứng trong khi PMPT giả định rủi ro bất đối xứng. Rủi ro thua lỗ được đo lường bằng cách xác định độ lệch một nửa. Hay còn được gọi là độ lệch rủi ro thua lỗ, nó mô tả được điều mà các nhà đầu tư sợ nhất: có lợi nhuận âm.
Tỉ số Sortino là yếu tố đầu tiên được đưa vào đề mục của lí thuyết PMPT, được thiết kế để thay thế tỉ lệ Sharpe của MPT. Nó là một thước đo lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro có khả năng cải thiện xếp hạng kết quả đầu tư. Độ lệch biến động là thống kê phân tích danh mục đầu tư thứ hai được thêm vào lí thuyết PMPT, nó đo lường tỉ lệ phần trăm phân phối của toàn bộ phương sai có được từ các lợi nhuận nằm trên giá trị trung bình so với lợi nhuận nằm dưới giá trị trung bình.
(Theo Investopedia)