|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thế hệ Z (Generation Z - Gen Z) là ai? Tiêu dùng của thế hệ Z và tác động tới doanh nghiệp

16:54 | 07/01/2020
Chia sẻ
Thế hệ Z (tiếng Anh: Generation Z, viết tắt: Gen Z) có thể được phân loại là những người sinh trong khoảng thời gian 1995 - 2005. Việc tiêu dùng của thế hệ Z khác với các thế hệ trước đó, và điều này dẫn tới các thay đổi của doanh nghiệp.
Thế hệ Z (Generation Z - Gen Z) là ai? Tiêu dùng của thế hệ Z và tác động tới doanh nghiệp - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: cloudinary.com

Thế hệ Z

Khái niệm

Thế hệ Z trong tiếng Anh là Generation Z, viết tắt là Gen Z.

Thế hệ Z có thể được phân loại là những người sinh trong khoảng thời gian 1995 - 2005. Tuy nhiên, thực chất, các nhà khoa học xã hội chưa hoàn toàn đồng thuận về năm sinh của những thành viên thế hệ Z. Một số người cho rằng thế hệ Z đầu bắt đầu từ năm 1995, một số người lại cho rằng thế hệ này bắt đầu từ cuối năm 2005.

Đặc điểm của thế hệ Z

Đa dạng

Về mặt dân tộc và chủng tộc, thế hệ Z sẽ là thế hệ đa dạng nhất trong lịch sử Mỹ. Điều này phần lớn là do cha mẹ của họ - thế hệ X là một phần của dòng người nhập cư vào Mỹ lớn nhất trong hơn một thế kỉ.

Công nghệ tiên tiến

Thế hệ Z là thế hệ được kết nối nhiều nhất trong lịch sử vì họ lớn lên sau sự bùng nổ của internet, điện thoại thông minh và các hình thức truyền thông xã hội. Đây cũng là thế hệ đầu tiên mua sắm trực tuyến nhiều hơn ngoại tuyến.

Khát vọng

Theo Inc.com, 72% những người sinh sau năm 1995 muốn bắt đầu tự kinh doanh. Các thành viên của thế hệ này cũng tập trung vào việc tạo ra tác động tích cực hơn là gây dựng danh tiếng và tài sản.

(Theo study.com)

Tiêu dùng của thế hệ Z và tác động tới doanh nghiệp

Từ tiêu dùng đến truy cập

Thế hệ Z là những người tiêu dùng thực tế và thực dụng hơn thế hệ trước. Họ đánh giá một loạt thông tin trước khi mua hàng. Thành viên thuộc thế hệ Z không chỉ phân tích những gì họ mua mà còn đánh giá cả hành động tiêu thụ. 

Tiêu dùng giờ đây cũng đã có thêm ý nghĩa mới. Đối với thế hệ Z, và ngày càng nhiều người thuộc các thế hệ cũ, tiêu dùng còn nghĩa là có quyền truy cập vào các sản phẩm hoặc dịch vụ, chứ không nhất thiết là phải sở hữu chúng. Ví dụ như dịch vụ đi xe hơi, stream video và gói đăng kí đọc báo, nghe nhạc, v.v..

Khi tiêu dùng hợp tác gia tăng ảnh hưởng, nhiều người bắt đầu coi đó là một cách để tạo thêm thu nhập trong nền kinh tế gig. Một khía cạnh của nền kinh tế gig là người tiêu dùng tận dụng các mối quan hệ hiện có của họ với các công ty để tạo thêm thu nhập bằng cách làm những công việc tạm thời.

Tiêu dùng trở thành một biểu hiện của bản sắc cá nhân

Đối với thế hệ Z, việc tiêu thụ trở thành một phương tiện thể hiện bản thân, trái ngược với việc mua hàng hoặc mặc đồ của các thương hiệu phù hợp với các qui tắc của nhóm.

48% người thuộc thế hệ Z cho biết họ đánh giá cao các thương hiệu không phân loại các mặt hàng là đồ nam hay đồ nữ. Đối với hầu hết các thương hiệu, đây thực sự là lãnh thổ mới.

Trong nhiều thập kỉ, các công ty tiêu dùng và nhà bán lẻ đã kiếm lợi nhuận thông qua lợi thế kinh tế nhờ qui mô. Bây giờ họ có thể phải chấp nhận mô hình kinh doanh hai hướng: một cho qui mô và tiêu thụ hàng loạt, một để tùy chỉnh phục vụ cho các nhóm người tiêu dùng cụ thể hoặc cho nhóm người tiêu dùng trung thành nhất. Trong kịch bản này, không chỉ marketing mà cả chuỗi cung ứng và qui trình sản xuất sẽ cần phỉa linh hoạt hơn.

Tiêu dùng tập trung vào tiêu chuẩn đạo đức

Theo khảo sát của Mckinsey, nhiều người thuộc thế hệ Z và các thế hệ khác nói rằng họ cố gắng mua hàng từ những doanh nghiệp được coi là có đạo đức, quan tâm tới nguồn gốc sản phẩm, và từ chối mua hàng ở những công ty có bê bối. Ngoài ra, nhiều người cho rằng đạo đức của các công ty nhỏ tốt hơn các tập đoàn lớn.

(Theo True Gen’: Generation Z and its implications for companies, Tracy Francis và Fernanda Hoefel)

Giang