|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các mục tiêu về nền kinh tế số của Việt Nam mở ra cơ hội mới cho Boeing, Netflix, SpaceX, Apple,...

15:30 | 26/04/2023
Chia sẻ
Đại diện các doanh nghiệp Mỹ như Boeing, Apple, Netflix, SpaceX,... sau chuyến thăm Việt Nam gần đây đã và đang tìm ra cơ hội để hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả những lĩnh vực mà trước đây không có cơ hội như hàng không vũ trụ.

Các công ty Mỹ kỳ vọng rằng những mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về nền kinh tế kỹ thuật số sẽ tạo ra cơ hội trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau cho những doanh nghiệp này, theo Asia Nikkei.

Đó là thông điệp từ Ted Osius, CEO Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, người mới đây đã tham gia vào một phái đoàn của các doanh nghiệp Mỹ tới thăm Việt Nam, bao gồm các đại diện từ các công ty lớn như Netflix, Meta (công ty mẹ của Facebook), SpaceX,...

Việt Nam muốn các dịch vụ kỹ thuật số chiếm 20% nền kinh tế vào năm 2025, nhưng yêu cầu các công ty lưu trữ dữ liệu cục bộ và loại bỏ các nội dung độc hại. "Các công ty Mỹ đang thích nghi với thực tế mới là các quốc gia khác muốn có tiếng nói riêng trong cách họ vận hành”, ông Osius chia sẻ.

“Có những lĩnh vực giữa các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam không có cơ hội trong quá khứ, như hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh, nhưng giờ đây đang mở ra cơ hội mới cho nhiều đơn vị”, ông Osius nói với Nikkei Asia sau khi trở về Washington từ chuyến thăm Việt Nam vào tháng trước.

Boeing là một trong những đơn vị có người đại diện tới thăm Việt Nam cùng phái đoàn doanh nghiệp Mỹ. (Ảnh: Yahoo Finance).

Ông cho biết Boeing, Lockheed và Raytheon đã chốt được doanh số bán hàng cho các đối tác ở Việt Nam. Boeing nói với Nikkei rằng họ đã thảo luận với các quan chức về một "mối quan hệ đối tác đang phát triển" từ quốc phòng, hàng không đến sản xuất.

Người phát ngôn của Boeing cho biết: “Boeing đã và đang phát triển sự hiện diện của mình tại Việt Nam bằng cách đầu tư vào xây dựng năng lực địa phương và hợp tác với các tổ chức Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật, an toàn hàng không, tính bền vững, nghiên cứu và công nghệ, đào tạo và phát triển kỹ năng”.

Trong khi đó, khi được hỏi về việc SpaceX đang khám phá thị trường Việt Nam, ông Osius nói: "Việc SpaceX cũng có mặt trong phái đoàn doanh nghiệp Mỹ tới thăm Việt Nam đã nói lên sự quan tâm của họ tới thị trường này". Phía SpaceX không đưa ra bình luận về vấn đề này.

SpaceX là công ty hàng không vũ trụ do tỷ phú Elon Musk, người giàu thứ hai thế giới hiện tại, đồng thời cũng là CEO hãng xe điện Tesla và công ty truyền thông mạng xã hội Twitter, điều hành. SpaceX cũng là một trong những kỳ lân (startup có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) lớn nhất thế giới.

CEO Apple Tim Cook cho biết nhà sản xuất iPhone đã đạt kỷ lục doanh số bán hàng tại Việt Nam trong năm ngoái, nơi cũng đang trở thành khu vực sản xuất hàng đầu của công ty. Việt Nam được coi là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc sản xuất MacBook, bên cạnh các thiết bị Apple khác đã được sản xuất trước đó.

Apple coi Việt Nam là điểm đến tiềm năng bên ngoài Trung Quốc. (Ảnh: Asia Nikkei).

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã bỏ lỡ một số khoản đầu tư khác từ phía các doanh nghiệp Mỹ. Chẳng hạn, nhà sản xuất chip khổng lồ Intel đã chọn Malaysia cho một nhà máy trị giá 7 tỷ USD, trong khi nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu AWS có kế hoạch rót 5 tỷ USD vào Thái Lan.

Ông Osius cho biết đôi khi đó là một quyết định mang tính kinh doanh, tùy thuộc vào kế hoạch và chiến lược của các doanh nghiệp Mỹ, song đôi khi những hạn chế trên thị trường internet tại Việt Nam cũng khiến nước ta đánh mất một số cơ hội.

Trong khi Facebook và Google từ lâu đã phổ biến ở Việt Nam, Osius cũng nhận thấy sự tăng trưởng trong các dịch vụ mới hơn ở nước ta, như Netflix, doanh nghiệp phát trực tuyến (live-streaming) hàng đầu thế giới hiện nay.

Gần đây, Netflix đã vướng vào một số lùm xùm liên quan tới nội dung phim tại Việt Nam. Phía Netflix nói với Asia Nikkei rằng họ đã xóa một tập của loạt phim ba phần "theo yêu cầu bằng văn bản" từ chính quyền và cho biết vụ việc sẽ được ghi nhận trong một báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Một báo cáo vừa được công bố gần đây của Google, Bain và Temasek ước tính nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam ở mức 23 tỷ USD vào năm 2022, tương đương 5,6% tổng sản phẩm quốc nội.

“Việt Nam có khát vọng rất lớn đối với nền kinh tế kỹ thuật số. Họ biết rằng nếu muốn đạt được những mục tiêu đó, họ phải phải duy trì các cuộc đối thoại. Mặt khác, các công ty Mỹ cũng cần nắm bắt cơ hội để đạt được những kết quả tích cực tại thị trường mới”, ông Osius nói thêm.

Doanh Chính

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.