|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Gen Z và những điều cần lưu ý về quản lý tài chính và dịch vụ ngân hàng

07:40 | 12/11/2021
Chia sẻ
Khi nói đến dịch vụ ngân hàng, sự đa dạng và phức tạp có thể khiến nhiều người gặp khó khăn, nhất là với Gen Z chưa có nhiều kinh nghiệm.

Thiết lập các tài khoản ngân hàng khác nhau, quản lý ngân sách, tiết kiệm cho các chi phí khẩn cấp là một số trong rất nhiều việc cần làm khi độc lập tài chính và quản lý tài chính cá nhân. 

Gen Z thường được coi là thế hệ non trẻ chưa có nhiều kiến thức hay kinh nghiệm. Dù vậy, khi bạn ngày một trưởng thành, kèm theo các cơ hội là trách nhiệm và bạn sẽ cảm thấy cần thiết phải học các kỹ năng sống.

Thế hệ Z - Gen Z đang dần trưởng thành, có công việc đầu tiên, bắt đầu để dành tiền mua nhà và đưa ra những quyết định tài chính độc lập có thể ảnh hưởng tới tương lai, cuộc sống sau này. Nếu bạn chưa quen với các dịch vụ ngân hàng thì nên tham khảo một số mẹo nên biết trước khi chi tiêu và ra quyết định trên trang Business Insider.

1. Tự mở tài khoản ngân hàng không khó

Nếu tài khoản ngân hàng đầu tiên của bạn là do cha mẹ mở thì bạn hoàn toàn có thể tự mở tài khoản thứ 2 cho riêng mình. Ban đầu, bố mẹ bạn có thể muốn dạy bạn cách quản lý tiền bạc khi còn chưa đủ 18 tuổi, tuy nhiên, khi bạn đã trưởng thành hơn thì bạn nên tự lập, ngay cả trong việc chi tiêu.

Để quản lý tài chính, Gen Z cần tìm hiểu về dịch vụ ngân hàng  - Ảnh 1.

Đã đến lúc Gen Z học quản lý tiền qua các dịch vụ ngân hàng. (Nguồn: AfterPay)

Marguerita Cheng, một nhà hoạch định tài chính tại Blue Ocean Global Wealth (Mỹ), nói rằng mở một tài khoản ngân hàng thứ hai có thể là lựa chọn tốt. "Ngay cả khi bạn đang đi học, nếu bạn thích hợp để mở một tài khoản khác thì điều đó cũng không có nghĩa là bạn đang làm gì sai hay trái ý cha mẹ”, bà Cheng nói.

Lời khuyên là khi tự mở tài khoản, bạn hãy cân nhắc, tốt nhất là nên dùng tài khoản nội địa thông thường. Những thẻ tín dụng hoặc thẻ vay nợ - ngay cả khi bạn có một khoản thu nhập đều đặn mỗi tháng cũng có thể trở thành cám dỗ để bạn chi tiêu nhiều hơn và trở thành “con nợ tín dụng”.

Bên cạnh đó, Gen Z cũng nên thường xuyên kiểm tra tài khoản, tiết kiệm và chỉ chi tiêu cho các khoản cần thiết.

2. Nếu bạn mới sử dụng dịch vụ ngân hàng, hãy lưu ý đến số dư và mức phí tối thiểu

Tài khoản ngân hàng là nơi an toàn để cất giữ tiền của bạn và giúp bạn dễ dàng theo dõi chi phí thông qua bảng sao kê. Tuy vậy, nếu bạn không chú ý đến chi tiết tài khoản cụ thể, bạn có thể phải trả phí hàng tháng, phí thường niên.

Phí hàng tháng khác nhau giữa các ngân hàng khác nhau nhưng nhìn chung, đó có thể là một khoản đáng kể và nếu chỉ cần chú ý một chút là bạn đã tiết kiệm được. Chẳng hạn, một số ngân hàng miễn phí phí thường niên cho khách hàng duy trì tối thiểu 2 triệu trong tài khoản liên tục các tháng trong năm.

3. Cân nhắc các quyết định đầu tư và lựa chọn ngân hàng phù hợp

Bạn không cần phải đầu tư vào một ngân hàng lớn nếu nó không phù hợp với các giá trị hoặc ưu tiên của bạn. Mỗi ngân hàng có tiềm năng khác nhau, chính sách, phương hướng phát triển khác nhau. 

Khi tập đầu tư cổ phiếu và muốn mua cổ phiếu ngân hàng, Gen Z nên cẩn trọng và thử nghiệm thật nhiều lấy kinh nghiệm. Hơn nữa, bạn cũng nên nhớ nguyên tắc không đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ và đầu tư bền vững cũng là một lựa chọn tốt.

4. Phân tích các khoản chi tiêu để lập ngân sách hợp lý

Ngân sách là tất cả về sự cân bằng. Việc tạo và tuân thủ kế hoạch ngân sách chưa bao giờ là điều dễ dàng ngay cả với các thế hệ đi trước. Một trong những yêu cầu khó nhất mà Gen Z phải làm được là chủ động tạo ra một hệ thống quản lý tiền bạc phù hợp nhất với bạn.

Bà Cheng nói rằng bạn có thể bắt đầu lập ngân sách bằng cách phân tích các chi phí cốt lõi và lối sống của mình.

Các chi phí cốt lõi là những thứ thiết yếu mà bạn cần phải chi tiêu, như tiền thuê nhà, hóa đơn, gas và thực phẩm. Một số khoản có thể là số tiền cố định hàng tháng như tiền phòng, các chi phí khác có thể là một ước tính như thực phẩm hoặc khí đốt, hóa đơn tiền điện. 

Chi phí không thiết yếu là các khoản giúp bạn thả lỏng như đi ăn hàng, đi chơi với bạn bè. Khi bạn đang học cách lập ngân sách thì đây sẽ là khu vực mà bạn có thể thực hiện các thay đổi trong tương lai.

Khi điều chỉnh chi phí sinh hoạt, các bạn Gen Z hãy đảm bảo rằng bạn vẫn đặt ra các mục tiêu có thể đạt được. Đừng loại bỏ những giao dịch mua bán mang lại niềm vui cho bạn, chẳng hạn như mua cafe, tự mua những món quà nhỏ cho mình. Tuy nhiên, hãy nhớ đừng để vượt giới hạn chi tiêu.

Thu Phương