Thực phẩm nhập khẩu quá đắt, giới trẻ Trung Quốc chỉ dám mua hàng sắp hết hạn vì giá rẻ
Người trẻ Trung Quốc ngày càng quan tâm đến thực phẩm sắp hết hạn và ngành công nghiệp này đang bùng nổ có khả năng giúp đất nước tỷ dân giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm, theo South China Morning Post.
Một báo cáo của iiMedia Research Consulting công bố mới đây cho thấy ngành công nghiệp thực phẩm sắp hết hạn dự kiến sẽ tăng quy mô từ 31 tỷ nhân dân tệ (5 tỷ USD) vào năm 2021 lên 40,1 tỷ nhân dân tệ năm 2025.
Thực phẩm sắp hết hạn được bán với giá chiết khấu và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trẻ tuổi muốn tiết kiệm. Thị trường này dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 6% mỗi năm.
Những thay đổi mới đây cũng khiến xu hướng này phát triển, từ việc các sản phẩm bán trong siêu thị và cửa hàng tiện lợi giờ đã có sẵn trên các nền tảng thương mại điện tử. Điều này thúc đẩy sự ra đời của các doanh nghiệp chuyên bán hàng sắp hết hạn.
Một người dùng mạng xã hội Weibo cho hay: ""Đồ ăn nhập khẩu quá đắt vì vậy mọi người sẽ chỉ dám mua khi chúng sắp hết hạn vì sẽ được mua với giá rẻ".
Năm ngoái, Trung Quốc chứng kiến làn sóng các công ty tham gia thị trường đồ ăn sắp hết hạn với số lượng đăng ký mới tăng từ 12 vào năm 2020 lên 68 doanh nghiệp.
Các cửa hàng như HotMaxx, HitGoo và Hema Fresh ra đời chỉ để chuyên bán thực phẩm sắp hết hạn sử dụng và nhìn chung giá các sản phẩm tại đây thấp hơn đáng kể so với giá thị trường trung bình.
Một bác sĩ đến từ Bắc Kinh tên Liu Jiayong có hơn nửa triệu người theo dõi trên Weibo cho biết những mặt hàng sắp hết hạn sử dụng vẫn tốt cho sức khỏe người dùng. "Chúng chưa hết hạn, rẻ hơn và tốt cho môi trường", người này nói.
Trong thời dịch, ngày càng có nhiều người chọn cách mua sắm online, chiếm hơn 30% doanh thu ngành bán lẻ, và tạo cơ hội cho thị trường sắp hết hạn sử dụng vào thị trường.
Trên Taobao, trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, người bán đang rao bán các mặt hàng như khoai tây chiên giòn, mì gói, bánh kẹo, sô cô la gần hết hạn sử dụng và giá thì rẻ quá nửa so với hàng mới.
Theo một báo cáo của Viện Khoa học Trung Quốc công bố hồi năm 2015, mỗi năm Trung Quốc vứt đi hơn 35 triệu tấn thực phẩm, tương đương 6% sản lượng lương thực quốc gia.
Bắc Kinh đã giải quyết vấn đề này khi tháng 8/2020, ông Tập Cận Bình nhắc nhở rằng "chúng ta nên chuẩn bị tinh thần về cuộc khủng khoảng an ninh lương thực".
Các nhà hàng ở Trung Quốc được yêu cầu phải cung cấp hộp đồ ăn mang đi cho thức ăn thừa và phục vụ các suất ăn nhỏ hơn. Yêu cầu này được cụ thể thành luật vào tháng 4 năm ngoái. Luật cấm các sự kiện ăn uống hoặc các cuộc thi ăn trên mạng xã hội. Các đơn vị sản xuất chương trình có nội dung ăn uống trực tuyến có thể bị phạt nặng.
Một blogger tên Lily nhận thấy kênh của cô được chú ý sau khi luật thông qua vì thực phẩm sắp hết hạn trở nên phổ biến và ít bị kỳ thị hơn. Nhóm "Tôi yêu thực phẩm sắp hết hạn" đã tăng từ 20.000 thành viên sau 2 tháng ra mắt lên 60.000 thành viên một năm sau đó. Hiện nó có 90.000 người theo dõi chia sẻ kinh nghiệm.
Tuy nhiên, những người trẻ như Lily bị thu hút bởi hàng sắp hết hạn vì nó có giá rẻ thay vì quan tâm đến môi trường. Các mặt hàng được săn đón nhiều nhất là đồ ăn nhẹ, bánh mì, bánh ngọt và các sản phẩm chế biến từ sữa.
Hơn 50% người tiêu dùng từng mua sản phẩm sắp hết hạn tại Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục mua vào tháng sau, trong khi gần 80% sẵn sàng giới thiệu hình thức này cho bạn bè.
Tuy nhiên, số khác lại coi thường những người tiêu dùng như này. Họ cho rằng hàng hóa sắp hết hạn chỉ dành cho khách hàng thu nhập thấp hoặc không có tiền.