Đi ngược xu hướng, Gen Z ngày càng dùng tiền mặt nhiều hơn
Gen Z đang yêu thích sử dụng tiền mặt, theo Bloomberg. Trên TikTok, không khó để thấy các video người trẻ chia sẻ về việc dùng tiền mặt hoặc các chiến thuật tiết kiệm tiền mặt.
Thực tế, không thể phủ nhận việc người tiêu dùng sử dụng tiền mặt nói chung đang giảm nhanh trong vài năm trở lại đây khi các phương tiện thanh toán số và thẻ tín dụng ngày càng phổ biến.
Tuy nhiên, dường như việc sử dụng tiền mặt đã chạm đáy vào năm 2020, theo một báo cáo của FED San Francisco. Tiền mặt chiếm tỷ trọng thanh toán 20% vào tháng 10, tăng từ con số 19% của một năm trước đó. Đây là lần đầu tiên tỷ trọng thanh toán tiền mặt tăng kể từ khi FED San Francisco công bố báo cáo này vào năm 2016.
Một lý do khuyến khích dùng tiền mặt thường xuyên là các khoản chiết khấu, giảm giá mà các doanh nghiệp nhỏ đưa ra, một xu hướng đang ngày càng phổ biến sau khi Visa và Mastercard tăng thu phí từ các nhà bán hàng từ tháng 4. Bên cạnh đó, chi phí cho các khoản vay bằng thẻ tín dụng ngày càng đắt đỏ hơn với tỷ lệ lãi suất trung bình đã chạm mốc 16,98% vào tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, theo CreditCards.com. Với lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm, đây lại là một lý do nữa để các khách hàng “thắt lưng buộc bụng” sử dụng tiền mặt.
Gen Z cũng có xu hướng thanh toán bằng tiền mặt nhiều hơn người dùng độ tuổi từ 25 đến 44, theo FED San Francisco. Một khảo sát gần đây cho Credit Karma thực hiện cho thấy 45% Gen Z muốn sử dụng tiền mặt cho các giao hàng hàng ngày với 33% nói rằng họ cảm thấy họ có thể kiểm soát tốt hơn nếu thanh toán tiền mặt. 25% nói rằng họ không muốn dính vào các khoản nợ.
Với Gen Z, cảm giác “xưa cũ” của việc dùng tiền mặt lại trở thành một điểm hấp dấn, Jason Dorsey, chủ tịch Center for Generational Kinetics, nói.
“Gen Z là thế hệ thích nhìn lại”, ông nói. “Việc mang theo tiền mặt vẫn còn rất mới và khác biệt”.
“Nỗi sợ nợ nần”
Tình hình tài chính của Gen Z bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch: 43% số người từ 18 đến 24 cho biết họ đang chậm trả nợ thẻ tín dụng, tiền thuê nhà và các khoản thanh toán khác, theo một nghiên cứu vào năm 2020 của Center for Generational Kinetics. Lạm phát cao khiến nỗi lo nợ nần dâng cao.
“Họ đang ở tình thế muốn kiểm soát rủi ro”, Dorsey nói. “Họ muốn biết rõ về phí và tòan bộ chi phí liên quan đến cách thanh toán. Tiền mặt vẫn là phương tiện lưu giữ giá trị cầm nắm được và vì thế khiến người dùng giới hạn được hành vi chi tiêu”, ông chia sẻ thêm.
Lisette Pedraza, một công dân 25 tuổi ở San Diego, nói rằng giữ tiền mặt trong các phong bì giúp cô tiết kiệm tiền mua các món đồ giá lớn.
“Nếu tôi biết vẫn còn tiền trong tài khoản, tôi cảm thấy mình sẽ chi tiêu nhiều hơn”, cô nói.
Chứng khiến khó khăn về tài chính từ người thân và bạn bè, cứ 5 Gen Z tham gia khảo sát thì có 1 người nói rằng họ muốn tránh nợ nần bằng mọi cách. Thực tế, 64% Gen Z tham gia khảo sát nói rằng họ không có thẻ tín dụng. Số này bao gồm Alvizo, một người chỉ thanh toán bằng tiền mặt và thẻ ghi nợ.
Kiểm soát chi tiêu
Một số TikToker khác cũng dùng tiền mặt để thay đổi tình hình tài chính của mình thông qua một chiến thuật gọi là Cash-Stuffing. Đây là chiến thuật tiết kiệm trong đó người dùng theo dõi chi tiêu của mình bằng cách phân phối một số tiền cụ thể vào các phong bì khác nhau cho từng mục đích chi tiêu thường xuyên hoặc các mục tiêu dài hạn hơn.
Laura Castellanos, 23 tuổi, cảm thấy mệt mỏi với việc “liên tục quẹt thẻ” mà không biết tiền của mình đã đi đâu.
Sau khi xem một YouTuber chia sẻ về Cash-Stuffing vào tháng 3/2021, cô quyết định làm theo và chia sẻ nó trên tài khoản TikTok của mình với khoảng 11 triệu người xem. Trong vòng hơn 1 năm, cô tiết kiệm được khoảng 20.000 USD.
“Khi chúng ta dùng tiền mặt, chúng ta kiểm soát tiền thay vì để tiền kiểm soát chúng ta”, cô nói.