|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chọn mẫu phi xác suất (Non-probability sampling) trong kiểm toán là gì? Phương pháp chọn

18:11 | 13/09/2019
Chia sẻ
Chọn mẫu phi xác suất (tiếng Anh: Non-probability sampling) là cách chọn mẫu theo phán đoán chủ quan và không dựa theo phương pháp máy móc, khách quan.
GettyImages-175822209-58b844095f9b5880809c4128

Hình minh hoạ (Nguồn: thoughtco)

Chọn mẫu phi xác suất trong kiểm toán 

Khái niệm

Chọn mẫu phi xác suất trong tiếng Anh được gọi là non-probability sampling.

Chọn mẫu phi xác suất là cách chọn mẫu theo phán đoán chủ quan và không dựa theo phương pháp máy móc, khách quan.

Phương pháp chọn mẫu

Trong chọn mẫu phi xác suất thường sử dụng các phương pháp:

- Chọn mẫu theo khối

Chọn mẫu theo khối là việc chọn một tập hợp các mẫu liên tục trong một dẫy nhất định.

Nguyên tắc: Trong trường hợp này, phần tử đầu tiên trong khối đã được chọn thì phần còn lại cũng được chọn tất yếu.

Phương pháp này được sử dụng nếu sai sót trọng yếu phân bố tập trung theo những khối quần thể nhất định hoặc được áp dụng với đám đông với kích cỡ nhỏ.

Ví dụ: Chọn 10 phiếu thu bắt đầu từ số 3472, vậy 10 phiếu thu liên tiếp là 3472 – 3481.

Nhận xét: Mẫu được chọn sẽ có tính đại diện không cao nếu số lượng khối được chọn nhỏ.

- Chọn mẫu theo nhận định

Chọn mẫu theo nhận định là việc chọn mẫu hoàn toàn dựa trên những xét đoán chủ quan của nhà nghề.

Trong nhiều trường hợp, khi có kích cỡ mẫu nhỏ hoặc có tính huống không bình thường... chọn mẫu theo nhận định sẽ tạo cơ hội tốt cho sự xuất hiện của những mẫu đại diện.

Điều kiện tiến hành

Kiểm toán viên phải nắm được đặc điểm cơ bản của khách thể kiểm toán và ấn định được mẫu đại diện trước khi chọn mẫu.

Ví dụ: Chọn các phiếu thu hay phiếu chi vào các thời điểm thay đổi nhân sự, xem xét việc ghi sổ kế toán khi chuyển đổi cơ chế kinh tế hoặc chế độ kế toán.

Để tăng được khả năng của phương pháp nhận định thường phải tập trung chú ý vào phân bố mẫu chọn theo các hướng khác nhau:

+ Theo loại nghiệp vụ kinh tế chủ yếu

Ví dụ khi xem xét các nghiệp vụ cung ứng và dịch vụ, không nên chỉ xem xét các nghiệp vụ mua nguyên vật liệu mà phải quan tâm đến các nghiệp vụ quảng cáo, sửa chữa.

+ Theo phần việc do các nhân viên khác nhau phụ trách: số lượng nghiệp vụ do mỗi người thực hiện phải được kiểm toán. Nếu có thay đổi nhân viên sẽ dễ có mẫu chọn không đại diện khi giới hạn phạm vi chọn mẫu.

+ Theo qui mô: khi chọn các mẫu có qui mô tiền tệ khác nhau thì các khoản mục, nghiệp vụ, tài khoản... có số dư lớn cần được chọn để kiểm toán.

Ưu điểm: Chi phí cho kiểm toán thấp, do không phải tiến hành các bước chọn mẫu theo các cách trên.

Nhược điểm: Rủi ro lớn, nếu kiểm toán viên không ấn định được mẫu điển hình.

(Tài liệu tham khảo: Đối tượng và phương pháp kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi