|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kiểm toán cân đối là gì? Phương pháp kiểm tra tính cân đối

12:29 | 13/09/2019
Chia sẻ
Kiểm toán cân đối là phương pháp dựa trên các phương trình kế toán và các cân đối khác để kiểm tra các quan hệ nội tại của các yếu tố cấu thành quan hệ cân đối đó.
internal-audit-839x450

Hình minh hoạ (Nguồn: gaaaccounting)

Kiểm toán cân đối 

Khái niệm

Kiểm toán cân đối là phương pháp dựa trên các phương trình kế toán và các cân đối khác để kiểm tra các quan hệ nội tại của các yếu tố cấu thành quan hệ cân đối đó.

Cơ sở hình thành phương pháp

Giữa các sự vật hiện tượng tồn tại các mối liên hệ thống nhất và trong bản thân bất kì một sự vật, hiện tượng nào cũng đều tồn tại sự thống nhất của các mặt đối lập và đều bao hàm mâu thuẫn bên trong. 

Trong hoạt động tài chính cũng không nằm ngoài qui luật đó, cụ thể như các mối quan hệ cân đối giữa nguồn lực và kết quả, giữa phát sinh nợ và phát sinh có, giữa vốn và nguồn, giữa thu và chi...

Các phương pháp kiểm tra tính cân đối

- Kiểm tra cân đối tổng quát

Kiểm tra cân đối tổng quát là xem xét mối tương quan của một phương trình kế toán.

Ví dụ: 

Tổng số tài sản = Tổng số nguồn vốn

Tài sản = Vốn chủ sở hữu + Công nợ

Thể hiện tương quan giữa 2 mặt đối lập

Trong thực tế, có trường hợp các mối quan hệ cân bằng này thường xuyên không được duy trì hay bị phá vỡ, do vậy kiểm toán viên cần phải xem xét các trường hợp này về bản chất riêng của mối quan hệ đó. 

Có 2 trường hợp xẩy ra:

+ Trường hợp do bản thân các qui định, chế độ về kinh tế nói chung và về kế toán nói riêng làm cho quan hệ này không cân bằng về lượng.

Ví dụ: Bảng tổng kết tài sản của các đơn vị kế toán cơ sở (độc lập) có liên hệ dọc theo ngành kinh tế – kĩ thuật, hoặc các đơn vị kế toán được phân cấp tài chính không đầy đủ hay chuyên sâu quá chặt chẽ tài chính như thu một nơi và chi một nơi...

+ Trường hợp do lỗi về xử lí tài chính kế toán

Ví dụ: Do không thực hiện các qui tắc tài chính dẫn tới việc xử lí không tương xứng giữa vốn và nguồn hoặc do mối quan hệ trong liên doanh liên kết qua hợp đồng chưa phân định được.

+ Do thiếu năng lực chuyên môn để xảy ra tình trạng sai sót, nhầm lẫn

+ Hoặc do sơ ý, sao nhãng, làm tắt, áp lực tâm lí, hoặc các nghiệp vụ mới phát sinh, nghiệp vụ bất thường khó xử lí... đều có thể dẫn tới sự mất cân đối.

- Kiểm tra cân đối cụ thể

Kiểm tra cân đối cụ thể là biểu hiện thông qua các định khoản kế toán và thể hiện trong các sổ sách kế toán.

Khi tiến hành kiểm toán thì kiểm toán viên cần xem xét các đối ứng có hợp lí hay không, số tiền hay qui mô tiền tệ có hợp lí hay không và phải chú ý vào các khoản ghi thêm.

Số dư cuối = Số dư đầu + Số phát sinh tăng trong – Số phát sinh giảm trong

Số ghi Nợ = Số ghi Có (trong một nghiệp vụ)

Khi kiểm toán bảng khai tài chính thì kiểm toán viên không thể kiểm tra tất cả các nghiệp vụ vì vậy phải phân vùng sai sót thường rơi vào các trường hợp sau:

+ Các nghiệp vụ mới phát sinh như quan hệ về đầu tư dài hạn, thuê mua tài sản cố định, trích dự phòng giảm giá...

+ Ở những nơi các vấn đề về tài chính thường không rõ ràng như: xây dựng cơ bản, thu chi bất thường...

+ Những nghiệp vụ xảy ra trước khi quyết toán

(Tài liệu tham khảo: Đối tượng và phương pháp kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi