|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tính đầy đủ (Sufficiency) của bằng chứng kiểm toán là gì? Yếu tố ảnh hưởng

22:53 | 12/09/2019
Chia sẻ
Tính đầy đủ (tiếng Anh: Sufficiency) là khái niệm để chỉ số lượng cần thiết của bằng chứng kiểm toán cho việc đưa ra kết luận kiểm toán.
t-5a08c47c340ff-gdpryou5a08c47c3400b-3-1568302266371651991005-15683024040491446089327

Hình minh hoạ (Nguồn: dma)

Tính đầy đủ của bằng chứng kiểm toán

Khái niệm

Tính đầy đủ trong tiếng Anh được gọi là sufficiency.

Tính đầy đủ là khái niệm để chỉ số lượng cần thiết của bằng chứng kiểm toán cho việc đưa ra kết luận kiểm toán.

Bằng chứng kiểm toán chính là toàn bộ thông tin làm cơ sở cho các kết luận trong kiểm toán.

Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 500 "Bằng chứng kiểm toán":

Bằng chứng kiểm toán là tất cả các thông tin, các tài liệu mà kiểm toán viên thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán và dựa trên những thông tin này, kiểm toán viên hình thành nên ý kiến của mình.

Phân loại bằng chứng kiểm toán

Bằng chứng kiểm toán có thể bao gồm nhiều loại và thu thập từ các nguồn khác nhau. Thường có hai cách phân loại bằng chứng kiểm toán phổ biến nhất là phân loại theo dạng bằng chứng kiểm toán và phân loại theo nguồn hình thành bằng chứng kiểm toán.

Yêu cầu đối với bằng chứng kiểm toán

Theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 500: "Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến của mình về báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán".

Bằng chứng kiểm toán là mục đích của quá trình kiểm toán và là điều kiện tiên quyết để đưa ra ý kiến kiểm toán. Không có bằng chứng kiểm toán, kiểm toán viên không thể dựa vào lí trí để đưa ra một kết luận hợp lí.

Số lượng bằng chứng kiểm toán

Số lượng bằng chứng kiểm toán phụ thuộc vào những yếu tố sau:

- Tính trọng yếu của đối tượng kiểm toán cụ thể: Khoản mục kiểm toán trọng yếu thì số lượng bằng chứng thu thập càng nhiều và ngược lại.

- Mức độ rủi ro của đối tượng kiểm toán: Nếu đối tượng kiểm toán chứa đựng sai phạm nhiều thì số lượng bằng chứng thu thập càng nhiều và ngược lại.

- Tính thuyết phục của bằng chứng kiểm toán (độ tin cậy của bằng chứng): Bằng chứng thu thập có độ tin cậy cao thì số lượng bằng chứng thu thập được càng ít và ngược lại.

- Tính kinh tế: Khi thực hiện cuộc kiểm toán, kiểm toán viên cần cân nhắc giữa chi phí kiểm toán với lợi ích thu được. Vì vậy, kiểm toán viên khi thu thập bằng chứng kiểm toán cũng phải cân nhắc khoảng thời gian hợp lí với mức chi phí kiểm toán có thể chấp nhận được.

(Tài liệu tham khảo: Các khái niệm cơ bản thuộc nội dung kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi