Tách rời tương quan (Decoupling) là gì? Tách rời tương quan giữa các thị trường
Tách rời tương quan
Khái niệm
Tách rời tương quan trong tiếng Anh là Decoupling.
Tách rời tương quan là thuật ngữ chỉ hiện tượng lợi nhuận của một lớp tài sản dịch chuyển chệch khỏi hướng đi dự kiến, được xác định bởi các mô hình tương quan với các lớp tài sản khác.
Tách rời tương quan diễn ra khi các lớp tài sản khác nhau, vốn thường tăng hoặc giảm cùng nhau, bắt đầu dịch chuyển theo các hướng ngược lại, chẳng hạn như một bên tăng trong khi một bên khác giảm xuống.
Ví dụ như giá dầu và khí đốt tự nhiên thường tăng/ giảm cùng nhau. Sự tách rời tương quan xảy ra khi giá dầu dịch chuyển theo một hướng và khí tự nhiên dịch chuyển theo hướng ngược lại.
Đặc điểm Tách rời tương quan
Trong lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư và nhà quản lí danh mục đầu tư thường sử dụng phương pháp thống kê tương quan để xác định mối quan hệ giữa hai tài sản trở lên.
Mức độ mạnh của mối tương quan giữa hai tài sản phụ thuộc vào giá trị hệ số tương quan, thường nằm trong phạm vi từ -1 đến +1. Trong đó, giá trị cao hơn biểu thị hai tài sản có tương quan mạnh hơn.
Hệ số tương quan bằng -1 ngụ ý rằng các tài sản dịch chuyển theo hướng ngược nhau và +1 có nghĩa là các tài sản sẽ luôn dịch chuyển theo cùng một hướng.
Bằng cách xác định các tài sản nào có mối tương quan, các nhà quản lí danh mục đầu tư và nhà đầu tư có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình bằng cách phân bổ đầu tư cho các tài sản không tương quan.
Theo cách này, khi giá trị một tài sản giảm xuống, các khoản đầu tư khác trong danh mục đầu tư sẽ không giảm theo, bảo vệ nhà đầu tư khỏi tổn thất quá lớn.
Thông thường, các cổ phiếu trong cùng ngành sẽ có mối tương quan cùng chiều cao, vì vậy nhiều nhà đầu tư thường kết hợp cổ phiếu từ nhiều ngành trong danh mục của mình.
Khi một nhóm các khoản đầu tư hoặc tài sản có tương quan cao đi lạc khỏi các đặc tính tương quan thống thường của chúng, thì sự tách rời tương quan đã diễn ra.
Ví dụ, nếu thông tin âm về vàng khiến một số công ty khai thác tăng giá trị (trong khi thông thường giá trị của họ sẽ giảm xuống), giá trị các công ty này đã được tách rời tương quan với giá vàng.
Trong thực tế, tách rời tương quan được sử dụng để chỉ hiện tượng các tài sản giảm tương quan.
Tách rời tương quan giữa các thị trường
Các thị trường và các nền kinh tế một khi đã dịch chuyển cùng nhau, cũng có thể bị tách rời tương quan. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt đầu từ Mỹ, đã lan sang phần lớn các thị trường trên thế giới dẫn đến cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Vì các thị trường thường "kết hợp" với sự tăng trưởng kinh tế Mỹ, bất kì thị trường nào đi ngược lại quĩ đạo sụt giảm toàn cầu thời điểm này, đều được gọi là thị trường hoặc nền kinh tế đã tách rời tương quan với Mỹ.
Sau cuộc suy thoái kinh tế này, quan điểm cho rằng các thị trường mới nổi trên thế giới đã không còn phụ thuộc vào nhu cầu từ Mỹ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là một ví dụ điển hình về tách rời tương quan giữa các nền kinh tế.
Nhiều nhà phân tích cho rằng một số thị trường mới nổi lúc đó như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil, đã chuyển hóa chính mình thành thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của họ.
Những người này cho rằng tách rời tương quan cho thấy các nền kinh tế này sẽ có thể chịu được khủng hoảng gây ra do nền kinh tế Mỹ trì trệ.
(Theo Investopedia)