|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Rủi ro chủ quyền (Sovereign Risk) là gì? Nguồn gốc Rủi ro chủ quyền

13:04 | 17/12/2019
Chia sẻ
Rủi ro chủ quyền (tiếng Anh: Sovereign Risk) là khả năng ngân hàng trung ương sẽ thực hiện các qui tắc ngoại hối để làm giảm một phần hoặc phủ nhận hoàn toàn giá trị các nghĩa vụ hợp đồng ngoại hối của chính phủ.
sovereign-bond-risk-index-july-2016

Hình minh họa. Nguồn: Albertobalatti.wordpress.com

Rủi ro chủ quyền

Khái niệm

Rủi ro chủ quyền trong tiếng Anh là Sovereign Risk.

Rủi ro chủ quyền là khả năng ngân hàng trung ương sẽ thực hiện các qui tắc ngoại hối để làm giảm một phần hoặc phủ nhận hoàn toàn giá trị các nghĩa vụ hợp đồng ngoại hối của chính phủ. 

Rủi ro chủ quyền cũng là rủi ro một quốc gia nước ngoài không đáp ứng được các khoản thanh toán trả nợ hoặc không tôn trọng các điều khoản thanh toán nợ nước ngoài.   

Đặc điểm Rủi ro chủ quyền 

Rủi ro chủ quyền là một trong những rủi ro mà nhà đầu tư sẽ gặp phải khi nắm giữ hợp đồng ngoại hối. Những rủi ro khác gồm có rủi ro lãi suất, rủi ro giá cả và rủi ro thanh khoản.   

Rủi ro chủ quyền có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức. 

Các nhà giao dịch và nhà đầu tư ngoại hối phải đối mặt với rủi ro rằng một ngân hàng trung ương nước ngoài sẽ thay đổi chính sách tiền tệ của mình để gây ảnh hưởng lên các giao dịch tiền tệ. 

Ví dụ, nếu một quốc gia quyết định thay đổi chính sách từ chế độ tỷ giá tiền tệ cố định (neo tỷ giá) thành chế độ tỷ giá tiền tệ thả nổi, việc này sẽ thay đổi lợi ích của các nhà giao dịch tiền tệ. 

Rủi ro chủ quyền cũng đến từ rủi ro chính trị phát sinh khi một quốc gia nước ngoài từ chối tuân thủ thỏa thuận thanh toán trước đó như với các nghĩa vụ nợ nước ngoài.   

Rủi ro chủ quyền cũng tác động đến các nhà đầu tư cá nhân. Việc sở hữu một tài sản tài chính của một công ty phát hành cư trú tại nước ngoài luôn tiềm tàng rủi ro. 

Ví dụ, một nhà đầu tư Mỹ phải đối mặt với rủi ro chủ quyền khi đầu tư vào một công ty có trụ sở tại Nam Mỹ. Nếu quốc gia đó quyết định quốc hữu hóa toàn bộ doanh nghiệp hoặc toàn bộ ngành công nghiệp trên lãnh thổ của họ, khoản đầu tư sẽ trở nên vô giá trị.  

Nguồn gốc Rủi ro chủ quyền 

Thập kỉ 1960 là khoảng thời điểm các qui định hạn chế tài chính bắt đầu được gỡ bỏ. Tiền tệ xuyên biên giới bắt đầu được trao đổi khi các ngân hàng quốc tế cho các nước đang phát triển vay vốn tăng lên. 

Những khoản vay này đã giúp các nước đang phát triển tăng xuất khẩu sang các nước phát triển và đồng thời có một lượng lớn đô la Mỹ đã được gửi vào hệ thống các ngân hàng châu Âu.   

Các nền kinh tế mới nổi được khuyến khích vay đô la Mỹ bởi các ngân hàng châu Âu để tài trợ cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đang phát triển đã không đạt được mức tăng trưởng kinh tế mà các ngân hàng cho vay mong đợi, khiến cho việc thanh toán các khoản nợ bằng đô la Mỹ không thể thực hiện được. 

Thiếu khả năng trả nợ khiến các nền kinh tế mới nổi này liên tục tái tài trợ các khoản vay nước ngoài của họ, dẫn đến lãi suất vay tăng.   

Nhiều quốc gia đang phát triển nợ nhiều (tiền lãi và tiền gốc) đến mức số này còn lớn hơn toàn bộ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia đó. Việc này dẫn đến đồng tiền của họ mất giá, giảm xuất khẩu vào các nước phát triển và làm tăng lạm phát.   

Cuối cùng khi các quốc gia này không thể trả được nợ đã vay và không thế tái tài trợ được nữa, một số quốc gia tìm cách tránh phải thực hiện nghĩa vụ nợ bằng cách thay đổi chế độ tiền tệ hiện hành.

Điều này làm cho rủi ro nợ không được trả càng cao cho các ngân hàng, được gọi là Rủi ro chủ quyền.

Rủi ro chủ quyền trong thế kỉ 21 

Một ví dụ điển hình về Rủi ro chủ quyền trong thế kỉ 21 là khủng hoảng nợ của Hy Lạp năm 2009. 

Nền kinh tế của Hy Lạp đang phải chịu gánh nặng của mức nợ công cao, đã khởi nguồn cuộc khủng hoảng nợ của chính phủ Hy Lạp năm 2009, sau đó đã lan tỏa ra các khu vực khác của Liên minh châu Âu. 

Trong khoảng thời gian này, niềm tin của cộng đồng đầu tư quốc tế về khả năng trả nợ nước ngoài của Hy Lạp đã giảm đáng kể, buộc nước này phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt. 

Hy Lạp đã nhận được hai gói cứu trợ của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF)Liên minh châu Âu với yêu cầu chi tiết đòi hỏi nước này phải áp dụng cải cách tài chính và các biện pháp khắt khe hơn trong việc sử dụng vốn.   

(Theo Investopedia)

Lê Thảo