|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Rủi ro thanh khoản (Liquidity Risk) là gì?

09:00 | 06/09/2019
Chia sẻ
Rủi ro thanh khoản (tiếng Anh: Liquidity Risk) là một rủi ro trong lĩnh vực tài chính. Rủi ro này xảy ra khi ngân hàng thiếu ngân quỹ hoặc tài sản ngắn hạn mang tính khả thi để đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền và người đi vay.
preview16

Hình minh họa

Rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản trong tiếng Anh gọi là Liquidity Risk.

Rủi ro thanh khoản là rủi ro do:

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn; hoặc

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn nhưng phải trả chi phí cao để thực hiện nghĩa vụ đó.

(Theo Thông tư 08/2017/TT-NHNN qui định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng)

Diễn biến của rủi ro thanh khoản

- Ngân quĩ của ngân hàng suy giảm liên tục trong nhiều tháng do ngân hàng bị hạn chế trong huy động, hoặc do ngân hàng có các tài sản chất lượng kém, không có khả năng thu hồi để hoàn trả.

- Dòng tiền lớn rút đột ngột do yếu tố mất ổn định vĩ mô, do thông tin bất lợi cho ngân hàng.

- Ngân hàng từ giảm khả năng chi trả, đến mất khả năng chi trả trong ngắn hạn. Để thoát khỏi sụp đổ, ngân hàng phải huy động hoặc vay mượn các nguồn tiền mới với chi phí đắt đỏ, hoặc bán các tài sản hiện có với giá thấp (chịu thua lỗ).

- Mức nhẹ của rủi ro thanh khoản (không gắn với khủng hoảng thanh khoản) là tổn thất, làm giảm thu nhập của ngân hàng. Cao hơn, ngân hàng có thể bị phá sản.

Đo lường rủi ro thanh khoản

Tổn thất thanh khoản dự tính = Thâm hụt thanh khoản x chi phí thanh khoản

- Chi phí thanh khoản bao gồm:

+ Ngân hàng phải bán chứng khoán hoặc các tài sản khác với giá thấp. Khi nhu cầu thanh khoản lên cao, ngân hàng có thể phải bán bớt tài sản. Tổn thất được đo bằng sự sụt giảm giá bán so với giá thị trường.

+ Ngân hàng phải huy động với lãi suất cao hơn để đáp ứng nhu cầu thanh khoản (mua thanh khoản trên thị trường). Tổn thất được đo bằng gia tăng chi phí (trong khi doanh thu không tăng).

- Tương tự chi phí huy động được đo bằng chênh lệch lãi suất (lãi suất liên ngân hàng), hoặc chênh lệch lãi suất huy động tiết kiệm và phát hành giấy nợ có cùng kì hạn.

- Thâm hụt thanh khoản = cầu thanh khoản - cung thanh khoản > 0

Tại một thời điểm, dự trữ thực tế < dự trữ cần thiết (tức ngân hàng thiếu dự trữ), đó chính là thâm hụt thanh khoản. Để đảm bảo dự trữ thực tế cần thiết, ngân hàng phải vay thanh khoản tức thời (vay trên liên ngân hàng), hoặc bán chứng khoán.

Phòng ngừa rủi ro thanh khoản

- Nghiên cứu các nguyên nhân gây rủi ro thanh khoản: Hạn chế rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất và hối đoái vì đây là nguyên nhân cơ bản, sâu xa dẫn tới rủi ro thanh khoản.

- Phân tích nhu cầu thanh khoản trong quá khứ để thấy các biến động và nhân tố ảnh hưởng; phân tích các hình thức đáp ứng nhu cầu thanh khoản và tổn thất đã xảy ra để đề ra biện pháp đáp ứng thanh khoản thích hợp.

- Dự đoán sự thay đổi của dòng tiền trong tương lai dưới tác động của lãi suất, lạm phát,...

- Duy trì mối quan hệ với người cho vay lớn, tránh trường hợp rút tiền gửi trong lúc cấp bách hoặc khủng hoảng.

- Đa dạng hóa các nguồn tiền, giảm sự phụ thuộc vào một nhóm khách hàng.

- Lập báo cáo thanh khoản hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày cho Hội đồng điều hành.

- Lập bản đồ thanh khoản (GAPs), đo lường và giới hạn "potential GAPs". Thiết lập các mức thanh khoản ngắn và dài hạn. Thử nghiệm tình huống căng thẳng (Stresstesting), phải có kế hoạch hữu hiệu trong trường hợp khẩn cấp.

(Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Bao Anh Dang