Phân tích rủi ro (Risk analysis) trong đầu tư chứng khoán là gì?
Hình minh họa (Nguồn: walkaboutclearwater)
Phân tích rủi ro
Khái niệm
Phân tích rủi ro trong tiếng Anh gọi là Risk analysis.
Rủi ro được hiểu là sự biến động tiềm ẩn ở những kết quả, là khả năng xảy ra của những điều không mong muốn và khi nó xảy ra thì mang lại những tổn thất. Khác với sự không chắc chắn, rủi ro có thể đo lường được.
Rủi ro trong đầu tư chứng khoán là khả năng (hay xác suất) xảy ra những kết quả đầu tư ngoài dự kiến, hay cụ thể hơn là khả năng làm cho mức sinh lời thực tế nhận được trong tương lai khác với mức sinh lợi dự kiến ban đầu.
Vì vậy, tất cả các yếu tố làm cho mức sinh lời thay đổi so với dự kiến ban đầu đều được coi là những rủi ro.
Vậy phân tích rủi ro tức là phân tích sự biến động của tổng thể các dòng thu nhập của công ty.
Giác độ phân tích
Thông thường, rủi ro đối với công ty thường được phân tích trên 2 giác độ: rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính
- Rủi ro kinh doanh là rủi ro do sự thay đổi bất lợi về tình hình cung cầu hàng hoá hay dịch vụ của doanh nghiệp hay là sự thay đổi bất lợi môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Rủi ro kinh doanh thường được tính bằng mức độ biến động của thu nhập phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Rủi ro kinh doanh = Độ lệch chuẩn của thu nhập hoạt động / Thu nhập hoạt động bình quân
Ngoài ra, cần phân tích sự biến động của doanh số bán hàng và đòn bẩy tài chính trong phân tích rủi ro kinh doanh.
- Rủi ro tài chính được hiểu là sự biến động về lợi nhuận của các cổ đông khi doanh nghiệp vay nợ.
Hay rủi ro tài chính là rủi ro về khả năng thanh toán trái tức, cổ tức và hoàn vốn cho người sở hữu chứng khoán. Rủi ro tài chính liên quan đến sự mất cân đối giữa doanh thu, chi phí và các khoản nợ của doanh nghiệp.
Để xác định rủi ro tài chính, các nhà phân tích thường sử dụng hai loại hệ số khác nhau.
+ Thứ nhất là các hệ số trên bảng cân đối kế toán.
+ Thứ hai là nhóm hệ số về các dòng thu nhập hoặc dòng tiền để thanh toán các chi phí.
Mục đích của các hệ số là chỉ ra khả năng thanh toán nợ ngắn hạn cũng như cơ cấu vốn và khả năng thanh toán nợ dài hạn của tổ chức phát hành.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường Chứng khoán, 2018, NXB Tài chính)