Lí thuyết Dow (Dow theory) là gì? Các giả định của lí thuyết Dow
Hình minh họa (Nguồn: tradesmartonline)
Lí thuyết Dow (Dow theory)
Khái niệm
Lí thuyết Dow trong tiếng Anh gọi là: Dow theory.
Lí thuyết Dow do Charter H.Dow thể hiện qua các bài viết phân tích thị trường chứng khoán của ông và sau đó William P.Hamilton đã kế thừa và tổng luận thành lí thuyết.
Ba xu thế cơ bản của sự biến động giá chứng khoán
Lí thuyết này cho rằng giá chứng khoán do hệ cung cầu trên thị trường quyết định và chỉ ra sự biến động giá chứng khoán có 3 xu thế cơ bản:
- Xu thế cấp 1:
Xu hướng biến động chính (kéo dài từ 1 năm đến nhiều năm).
Xu hướng tăng giá được gọi là thị trường con bò tót, khối lượng giao dịch tăng lên khi giá tăng và giảm khi giá giảm (cứ sau mỗi đợt tăng giá bao giờ cũng có đợt đảo chiều ngắn hạn trước khi có một giai đoạn tăng giá tiếp theo).
Xu hướng giảm giá được gọi là thị trường con gấu, khối lượng giao dịch tăng lên khi giá giảm và giao dịch bị ngưng trệ khi giá hồi phục.
- Xu thế cấp 2:
Trên diễn biến của xu thế cấp 1 có các điểm ngắt quãng đó là xu thế cấp 2. Xu thế này có thể đi ngược chiều với xu thế cấp 1, nhưng nó là sự điều chỉnh của xu thế cấp 1. Xu thế này thường kéo dài từ 3 đến 12 tuần.
- Xu thế cấp 3:
Xu hướng biến động ngắn hạn (khoảng từ vài giờ đến vài ngày).
Lí thuyết Dow thường được dùng để xác định thời điểm kết thúc một xu hướng biến động cổ phiếu. Theo lí thuyết Dow, xu hướng biến động chính của thị trường tăng giá là xuất hiện hàng loạt các điểm đỉnh và các điểm đáy cao hơn.
Trong thị trường giá giảm, xu hướng biến động chính là những điểm đỉnh và những điểm đáy thấp hơn. Những biến động hàng ngày được coi là không đáng kể.
Các giả định của lí thuyết Dow
Các giả định của lí thuyết Dow hỗ trợ cho các nhà phân tích kĩ thuật trong dự đoán xu thế biến động của thị trường như sau:
Thị giá của bất cứ hàng hoá hay dịch vụ nào đều hoàn toàn được xác định bởi mối quan hệ cung cầu.
Cung và cầu được quyết định bởi một số nhân tố, cả logic và phi logic. Những nhân tố này ngoài các biến số kinh tế trong phân tích cơ bản còn bao hàm các yếu tố khác như tâm lí và dự đoán của nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán sẽ phản ánh các nhân tố này một cách đầu đủ và liên tục.
Ngoại trừ một số dao động nhỏ trong ngắn hạn, giá cả các chứng khoán và thị trường nói chung đều có sự biến động theo các xu thế, các xu thế này diễn ra trong các khoảng thời gian nhất định.
Các nguyên nhân gây ra các xu thế trội trong giao dịch chứng khoán sẽ được phát hiện nhờ vào phản ứng của thị trường.
Tuy nhiên, các giả định trên đang đặt ra nhiều vấn đề bàn cãi, các nhà phân tích cơ bản và những nhà đầu tư theo trường phái lí thuyết thị trường hiệu quả không đồng ý với các giả định trên.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường Chứng khoán, 2018, NXB Tài chính)