|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chỉ số ROE (Return on equity) là gì? Cách tính và công dụng

09:43 | 27/08/2019
Chia sẻ
Chỉ số ROE (tiếng Anh: Return on equity) là thước đo chính xác nhất để đánh giá một đồng vốn của cổ đông bỏ ra và tích lũy được tạo ra bao nhiêu đồng lãi.
Chỉ số ROE (Return on equity) là gì? Cách tính và công dụng - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: istockphoto)

Chỉ số ROE

Khái niệm

Chỉ số ROE trong tiếng Anh gọi là: Return on equity.

Chỉ số ROE là thước đo chính xác nhất để đánh giá một đồng vốn của cổ đông bỏ ra và tích lũy được (có thể lợi nhuận để lãi) tạo ra bao nhiêu đồng lãi. Từ đó nhà đầu tư có cơ sở tham khảo khi quyết định mua công ty X hay công ty Y có cùng ngành nghề với nhau.

Tỉ lệ ROE càng cao chứng tỏ công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, điều này có nghĩa công ty cân đối một cách hài hòa giữa đồng vốn cổ đông với đồng vốn vay (vì nếu vay nhiều thì phải trả lãi vay làm giảm lợi nhuận) để khai thác lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường để tăng doanh thu, tăng lợi nhuận. 

Cách tính chỉ số ROE

Trị giá ROE được tính bằng cách lấy lợi nhuận ròng (net income) theo niên độ kế toán (từ 1 tháng 1 đến 31 tháng 12) sau khi đã trả cổ tức cho cổ phần ưu đãi nhận cổ tức nhưng trước khi chi trả cổ tức cho cổ phần thường chia cho toàn bộ vốn sở hữu chủ, tức tài sản ròng (NAV) vào lúc đầu niên độ kế toán.

Công dụng

Tỉ lệ này giúp cho nhà đầu tư đánh giá công ty ở góc độ như sau:

- Khi công ty chỉ đạt tỉ lệ ROE tương đương với lãi vay ngân hàng (khoảng 10%/năm) thì ở mức độ đánh giá tương đối, bạn hãy xem lại khả năng sinh lời của công ty này vì nếu công ty nào cũng chỉ sinh lời ở mức này thì sẽ không có công ty nào đi vay ngân hàng vì lợi nhuận từ vốn vay chỉ đủ để trả lãi vay ngân hàng. 

Tất nhiên ở đây chỉ đặt trường hợp công ty chưa vay ngân hàng.

- Khi công ty đạt tỉ lệ ROE cao hơn lãi vay ngân hàng thì bạn nên tìm hiểu xem công ty đã vay ngân hàng và khai thác hết lợi thế cạnh tranh trên thị trường chưa để có thể đánh giá công ty có tiềm năng tăng tỉ lệ này hay không trong tương lai. 

Nếu còn mở rộng được thị phần thì cần thêm vốn, vốn này có thể vay và công ty vẫn có thể có lãi sau khi trả lãi cho khoản vốn vay này.

Tuy nhiên, vay vốn ngoài việc trả lãi còn phải trả gốc cho nên ảnh hưởng rất nhiều đến yếu tố thanh khoản công ty, vì vậy cân đối vốn vay và vốn cổ đông cũng là bài toán quản lí của công ty.

- Ngoài ra, tỉ lệ này cũng giúp cho nhà đầu tư đánh giá các công ty trong cùng một ngành nghề để ra quyết định lựa chọn đầu tư một trong số các công ty có cùng ngành nghề đó.

Phương thức lựa chọn tất nhiên vẫn là tỉ lệ ROE cao, vì như đã nói ở trên thì ROE của công ty càng cao thì có khả năng tăng lợi thế cạnh tranh càng mạnh, khi đó lợi thế cạnh tranh của các công ty khác sẽ bị giảm xuống.

(Tài liệu tham khảo: Cẩm nang đầu tư trên thị trường chứng khoán, NXB Từ điển Bách Khoa)

Tuyết Nhi