Rủi ro chính trị (Political risks) là gì? Phương pháp quản lí
Hình minh hoạ (Nguồn: ubs)
Rủi ro chính trị
Khái niệm
Rủi ro chính trị trong tiếng Anh được gọi là political risks.
Rủi ro chính trị là khả năng khi đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp bị kiềm chế bởi chính sách của chính phủ nước sở tại.
Tất cả các công ty thực hiện kinh doanh vượt ra khỏi phạm vi một quốc gia đều phải đối mặt với rủi ro chính trị - cụ thể sự thay đổi về chính trị có ảnh hưởng xấu đến công việc kinh doanh.
Rủi ro chính trị có thể đe dọa đến thị trường xuất khẩu, điều kiện sản xuất, hoặc gây khó khăn cho nhà đầu tư chuyển lợi nhuận về trong nước.
Nguyên nhân
Rủi ro chính trị phát sinh là do nhiều nguyên nhân. Bao gồm những nguyên nhân sau:
- Sự lãnh đạo chính trị yếu kém
- Chính quyền bị thay đổi thường xuyên
- Sự dính líu đến chính trị của các nhà lãnh đạo tôn giáo và quân đội
- Hệ thống chính trị không ổn định
- Những vụ xung đột về chủng tộc, tôn giáo và các dân tộc thiểu số
- Sự liên kết kém chặt chẽ giữa các quốc gia
Phân loại
Rủi ro chính trị có thể được phân thành nhiều loại dưới các góc độ tiếp cận khác nhau. Nếu căn cứ vào phạm vi tác động có thể phân rủi ro chính trị thành 2 loại cơ bản sau:
- Rủi ro vĩ mô: đe dọa đến tất cả các doanh nghiệp không trừ một ngành nào. Rủi ro vĩ mô ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Rủi ro vi mô: là loại hình rủi ro chính trị chỉ tác động đến những công ty trong một ngành nào đó.
Nếu căn cứ vào hình thức biểu hiện, rủi ro chính trị được phân thành 5 dạng thức chính sau:
- Xung đột và bạo lực: Xung đột và bạo lực xảy ra có thể gây cản trở mạnh mẽ đến đầu tư của các công ty, làm suy yếu khả năng sản xuất và phân phối sản phẩm, gặp khó khăn trong việc vận chuyển nguyên liệu và thiết bị, gây cản trở việc tuyển dụng lao động.
Xung đột và bạo lực có thể xảy ra ở nhiều cấp độ có thể là xung đột giữa người dân và chính phủ, giữa các chính phủ ở các quốc gia hay giữa các dân tộc, chủng tộc và tôn giáo.
- Khủng bố và bắt cóc: Bắt cóc và các cuộc khủng bố là phương tiện để các thế lực khẳng định vị thế chính trị. Khủng bố có mục đích tạo ra sự lo sợ và ép buộc sự thay đổi thông qua việc gây ra những cái chết và tàn phá tài sản một cách bất ngờ và không lường trước được.
Bắt cóc thường được sử dụng nhằm tài trợ tài chính cho các hoạt động khủng bố. Các hãng kinh doanh nước ngoài lớn là mục tiêu chính bởi vì nhũng người làm việc ở đây khá "nặng túi" và có thể trả những khoản chuộc hậu hĩnh.
- Chiếm đoạt tài sản: Đôi khi một số chính quyền chiếm đoạt tài sản của công ty trên lãnh thổ của họ. Sự chiến đoạt diễn ra dưới ba hình thức: Tịch thu, Sung công, Quốc hữu hóa.
+ Tịch thu: là việc chuyển tài sản của công ty vào tay chính phủ mà không có sự đền bù nào cả.
+ Sung công: là quá trình chuyển tài sản của tư nhân vào tay chính phủ nhưng được đền bù.
+ Quốc hữu hóa: Quốc hữu hóa phổ biến hơn sung công và tịch thu. Trong khi sung công áp dụng đối với một hoặc một số công ty nhỏ trong một ngành, thì quốc hữu hóa diễn ra đối với toàn bộ ngành. Quốc hữu hóa là việc chính phủ đứng ra đảm nhiệm cả một ngành.
- Sự thay đổi các chính sách: sự thay đổi chính sách của chính phủ cũng có thể là do nguyên nhân mất ổn định xã hội hoặc là do có sự tham gia của các chính đảng mới.
- Những yêu cầu của địa phương: Các yêu cầu của địa phương có thể gây bất lợi cho sự tồn tại của doanh nghiệp trong dài hạn. Đặc biệt, họ có thể gây ra hai điểm bất lợi đối với các công ty kinh doanh quốc tế là:
+ Yêu cầu phải tuyển dụng những nhân công địa phương của họ có thể làm cho các công ty này thiếu những người làm việc có đủ trình độ
+ Yêu cầu các công ty sử dụng toàn bộ hoặc một phần nguyên, nhiên vật liệu của địa phương dẫn đến chi phí sản xuất cao, chất lượng giảm sút hoặc cả hai.
Phương pháp quản lí
Bên cạnh kiểm soát và dự đoán những khả năng thay đổi chính trị, các công ty quốc tế phải cố gắng quản lí được rủi ro chính trị mà những rủi ro này đe dọa đến hoạt động hiện tại cũng như tương lai của công ty.
Có 5 phương pháp quản lí rủi ro chính trị đó là:
- Né tránh: Né tránh đơn giản là hạn chế đầu tư vào những nước có nguy cơ rủi ro chính trị cao.
- Thích nghi: Thích nghi có nghĩa là kết hợp chặt chẽ rủi ro với chiến lược kinh doanh, thường được giúp đỡ của các quan chức địa phương. Các công ty thu nhận rủi ro qua năm chiến lược: vốn nợ và vốn cổ phần của địa phương; định vị; trợ giúp; cộng tác và bảo hiểm.
- Duy trì mức độ phụ thuộc: Để duy trì mức độ phụ thuộc của nước sở tại vào hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể tiếp cận theo ba hướng:
+ Giải thích cho người dân và các quan chức địa phương tầm quan trọng của họ đối với phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.
+ Sử dụng nguyên vật liệu, công nghệ và một phần nguồn lực sẵn có của địa phương.
+ Nếu công ty đủ mạnh và đủ lớn, công ty có thể nhận được toàn bộ quyền kiểm soát kênh phân phối ở địa phương. Nếu công ty bị đe dọa, nó có thể từ chối cung cấp cho người tiêu dùng địa phương và người mua là các công ty địa phương.
- Thu thập thông tin: Có hai nguồn dữ liệu cần thiết cho việc dự báo rủi ro chính trị chính xác là:
+ Công ty yêu cầu người lao động đánh giá mức độ rủi ro chính trị.
+ Công ty có thể thu thập thông tin từ những hãng chuyên cung cấp những dịch vụ về rủi ro chính trị.
- Những chính sách địa phương: Các nhà quản lí có thể xem xét đến những qui luật và qui định áp dụng trong kinh doanh ở mỗi quốc gia. Hơn nữa, pháp luật ở nhiều quốc gia rất dễ thay đổi, và luật mới ra tiếp tục tác động đến doanh nghiệp.
Để những ảnh hưởng của địa phương có lợi cho họ, các nhà quản lí đề nghị những định hướng thay đổi có ảnh hưởng tích cực tới họ.
(Tài liệu tham khảo: Kinh doanh quốc tế, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)