|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Môi trường chính trị (Political environment) trong marketing là gì?

14:15 | 08/09/2019
Chia sẻ
Môi trường chính trị (tiếng Anh: Political environment) là một trong những yếu tố cơ bản của môi trường marketing vĩ mô mà bộ phận marketing ở mỗi doanh nghiệp đều phải quan tâm tới.
political environment

Hình minh họa (Nguồn: intellisia)

Môi trường chính trị

Khái niệm

Môi trường chính trị trong tiếng Anh gọi là: Political environment.

Môi trường chính trị bao gồm: Hệ thống luật pháp, các cơ quan Chính phủ và vai trò của các nhóm áp lực xã hội. Những diễn biến của các yếu tố này ảnh hưởng rất mạnh và cũng rất trực tiếp đến các quyết định marketing của doanh nghiệp.

Việt Nam đang xây dựng thể chế kinh tế thị trường, hàng năm, Quốc hội thường xuyên có nhiệm vụ xây dựng các bộ luật mới, các pháp lệnh, đồng thời xem xét điều chỉnh sửa đổi lại các văn bản pháp luật cũ. 

Mặc dù vậy, nền kinh tế của Việt Nam vẫn vận hành trong điều kiện "thiếu luật". 

Trong điều kiện đó, để điều hành nền kinh tế, Chính phủ thường ban hành hàng loạt các văn bản pháp qui như: các quyết định, các qui định, qui chế, thông tư... nhằm thể chế hóa các luật và thay thế cho những bộ luật ở các lĩnh vực hoạt động kinh doanh mà chưa có bộ luật nào điều chỉnh. 

Ngoài ra, ngay các bộ, các tỉnh và địa phương cũng có hàng loạt các văn bản dưới luật. 

Mặc dù trong mấy năm qua, Chính phủ đã hình thành tổ công tác để xem xét lại toàn bộ những văn bản pháp luật trên, xóa bỏ sự mâu thuẫn, sự chồng chéo giữa chúng, nhưng đánh giá chung về môi trường luật pháp của Việt Nam nhiều chuyên gia, nhiều nhà kinh doanh vẫn cho rằng: 

Hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu, vừa rối... rất khó lường. Tình hình trên gây không ít trở ngại cho các nhà kinh doanh.

Về điều hành của Chính phủ, nhìn chung, từ khi chuyển sang cơ chế thị trường. Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc thay đổi nguyên tắc điều hành nền kinh tế - chuyển từ cơ chế can thiệp trực tiếp - sang cơ chế điều hành gián tiếp bằng luật pháp, thông qua tác động tới môi trường kinh doanh.  

Nhưng do chưa từ bỏ triệt để tư duy và phương thức quản lí từ thời bao cấp theo cơ chế "xin-cho", nên chính quyền và cán bộ cấp thực thi vẫn giữ phong cách làm việc "hành là chính" để buộc nhà đầu tư phải "bôi trơn" còn tồn tại phổ biến.

Trong quan hệ với các cơ quan chức năng của Nhà nước, các doanh nghiệp hoặc là rất dễ dàng, nếu "hầu cánh, hợp cạ", hoặc là rất khó khăn. 

Về phần mình, cũng không hiếm các doanh nghiệp kinh doanh còn chưa có quan điểm dài hạn, kinh doanh theo kiểu "chộp giật", thậm chí lừa đảo (kinh doanh đa cấp), quảng cáo thiếu trung thực, làm hàng nhái, hàng giả, lừa dối khách hàng, cạnh tranh không lành mạnh...

Bên cạnh đó, cũng trong điều kiện của việc hình thành cơ chế kinh tế thị trường, để bảo vệ người tiêu dùng và lợi ích của xã hội, nhóm các tổ chức xã hội sẽ ngày càng gia tăng, buộc các nhà quản trị marketing không thể không xem xét đến ảnh hưởng của các tổ chức này trước khi quyết định thực thi các giải pháp marketing.

(Tài liệu tham khảo: Marketing căn bản, GS.TS. Trần Minh Đạo, 2018, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tuyết Nhi