Quan điểm tập trung vào bán hàng (The view of focusing on selling) trong marketing là gì?
Hình minh họa (Nguồn: defineproducts)
Quan điểm tập trung vào bán hàng
Khái niệm
Quan điểm tập trung vào bán hàng trong tiếng Anh tạm dịch là: The view of focusing on selling.
Quan điểm này cho rằng: Người tiêu dùng thường bảo thủ và do đó có sức ỳ hay thái độ ngần ngại trong việc mua sắm hàng hoá. Vì vậy để thành công, doanh nghiệp cần tập trung mọi nguồn lực và sự cố gắng vào việc thúc đẩy tiêu thụ, khuyến mại và khả năng thuyết phục của người bán.
Thời điểm xuất hiện
Quan điểm này xuất hiện khá sớm, tồn tại dai dẳng và chi phối mạnh tới định hướng kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây còn được coi là quan điểm marketing truyền thống.
Đánh giá quan điểm
Như vậy, quan điểm này cho rằng yếu tố quyết định sự thành công của một đơn vị kinh doanh là tăng được khối lượng sản phẩm tiêu thụ đã được sản xuất ra.
Từ đó quan điểm này đã khuyến cáo các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn cho khâu tiêu thụ và khuyến mãi, phải tạo ra các cửa hàng hiện đại, huấn luyện được đội ngũ nhân viên bán hàng biết lôi kéo và thuyết phục khách hàng nhanh chóng vượt qua trở ngại về tâm lí bằng bất kì cách thức nào.
Đẩy được nhiều hàng và thu được nhiều tiền từ phía khách hàng là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác, thậm chí là căn cứ xác định mức tiền thưởng và sự thăng tiến. (Theo Marketing căn bản, GS.TS. Trần Minh Đạo, 2018, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)
Quan điểm này có thể giúp cho doanh nghiệp thành công trong các trường hợp kinh doanh các sản phẩm ít có khả năng biến đổi về chất lượng và đặc tính hoặc những sản phẩm mua theo nhu cầu thụ động.
Tức là những sản phẩm mà người mua ít nghĩ đến việc mua sắm hoặc có nghĩ đến cũng không thấy có gì bức bách vì chúng chưa liên quan đến lợi ích trực tiếp của họ.
Ví dụ: Bảo hiểm, bộ từ điển bách khoa v.v... Nói chung bán hàng là một hoạt động quan trọng của quá trình kinh doanh, nhưng dù sớm hay muộn hoạt động này sẽ gặp khó khăn, nếu như việc chế tạo ra sản phẩm của doanh nghiệp tách rời khỏi việc tìm hiểu kĩ lưỡng nhu cầu của khách hàng.
(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về quản trị marketing, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)