|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mua bán nợ (Debt Trading) của tổ chức tín dụng là gì?

10:51 | 05/09/2019
Chia sẻ
Mua bán nợ (tiếng Anh: Debt Trading) là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh.

photo1529384971921-1529384971921831664965

Hình minh họa (Nguồn: CafeF)

Mua bán nợ (Debt Trading)

Khái niệm

Mua bán nợ trong tiếng Anh gọi là Debt Trading.

Mua bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ.

Khoản nợ được mua, bán là khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay và khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh theo hợp đồng cấp tín dụng đã kí của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đang được theo dõi hạch toán nội bảng, ngoại bảng tại bảng cân đối kế toán.

Hoặc đã xuất toán ra khỏi bảng cân đối kế toán của bên bán nợ có đủ điều kiện qui định tại Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-NHNN và bên nợ có nghĩa vụ thanh toán tiền cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bên bán nợ là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khoản nợ được bán theo qui định.

Bên mua nợ là tổ chức, cá nhân, bao gồm: 

 Tổ chức, cá nhân là người cư trú sau:

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động mua nợ;

- Tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ (không phải tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ theo qui định của pháp luật.

- Tổ chức khác, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ. 

- Tổ chức, cá nhân là người không cư trú.

Bên nợ là tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được mua, bán theo qui định tại hợp đồng cấp tín dụng.

Giá mua, bán nợ là số tiền bên mua nợ phải thanh toán cho bên bán nợ theo hợp đồng mua, bán nợ.

Nguyên tắc thực hiện mua, bán nợ

Hoạt động mua, bán nợ không trái với nội dung qui định tại hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm đã kí kết giữa bên bán nợ, khách hàng và bên bảo đảm.

Hoạt động mua, bán nợ do các bên tự thỏa thuận, tuân thủ qui định tại Thông tư 09/2015/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, giấy phép thành lập của chị nhánh ngân hàng nước ngoài và có tỉ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được được phê duyệt. 

Trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành qui định nội bộ về hoạt động mua bán nợ.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua nợ phải tuân thủ các qui định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bên bán nợ không mua lại các khoản nợ đã bán.

Tổ chức tín dụng không được bán nợ cho công ty con của chính tô chức tín dụng đó, trừ trường hợp bán nợ cho công ty quản nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Công ty quản lí nợ và khai thác tài sản là công ty con của tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ của tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tổ chức tín dụng mẹ có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ, thì bên bán nợ và các bên mua nợ thỏa thuận với nhau về tỉ lệ tham gia, phương thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, phân chia giá trị tài sản đảm bảo (nếu có) cho phần nợ được mua, bán và các nội dung cụ thể khác tại hợp đồng mua, bán nợ đảm bảo phù hợp với qui định của pháp luật.

Các khoản nợ được mua, bán nợ phải được theo dõi, hạch toán kế toán và báo cáo thống kê theo qui định của pháp luật.

(Tài liệu tham khảo, Sách chuyên khảo Kế toán Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Tài Chính)

Thanh Hoa