|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

MBS: Chứng khoán đối mặt làn sóng bán tháo, NĐT nên ưu tiên bảo toàn vốn

10:58 | 08/04/2025
Chia sẻ
Trong bối cảnh toàn cầu bất ổn, nhóm phân tích của MBS đánh giá thị trường trong nước đang đứng trước áp lực điều chỉnh sâu hơn nếu không giữ vững các ngưỡng hỗ trợ quan trọng.

Phân tích mới đây của MBS cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua, khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng mạnh, với giá trị lên tới 9.113 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị bán ròng đã đạt 35.300 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ trong vòng hơn ba tháng đầu năm 2025, khối ngoại đã bán ra lượng cổ phiếu bằng gần 40% so với mức kỷ lục hơn 93.000 tỷ đồng trong cả năm 2023.

Thanh khoản toàn thị trường ghi nhận mức tăng gần 50% trong tuần qua. Nhiều nhóm cổ phiếu có thanh khoản tăng trên 100%, tỷ trọng giao dịch cũng mở rộng đáng kể. Tuy nhiên, đây phần lớn là dòng tiền phát sinh từ hoạt động bán tháo, dẫn đến việc dòng tiền bị rút ra khoảng 90.000 tỷ đồng chỉ trong hai phiên cuối tuần.

Xét về định giá, chỉ số P/E trượt 12 tháng hiện thấp hơn một độ lệch chuẩn so với mức bình quân 5 năm. Đây là lần thứ hai chỉ số P/E rơi xuống vùng thấp như vậy, kể từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11/2024 – giai đoạn chỉ số VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.250 điểm.

Theo MBS Research, hai phiên giảm điểm mạnh vào cuối tuần là phản ứng ngoài dự đoán của thị trường trước thông tin Mỹ áp thuế lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Bối cảnh này diễn ra trong lúc các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt điều chỉnh, nhiều nơi đã tiệm cận ngưỡng thị trường giá xuống (giảm 20% từ đỉnh) hoặc đã rơi vào trạng thái này.

Đáng chú ý, đà sụt giảm mạnh đã khiến một số nhân vật ủng hộ Tổng thống Donald Trump cũng đưa ra cảnh báo về hậu quả lan rộng của chính sách thuế quan. Ông Trump vẫn kiên định với lập trường không thay đổi chính sách. Phát biểu ngày 4/4, ông khẳng định sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch thuế, đồng thời cho rằng các tập đoàn lớn không cần lo ngại.

Trong khi đó, làn sóng bán tháo lan rộng đã phủ bóng lên thị trường tài chính toàn cầu. Giới đầu tư hiện dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải cắt giảm lãi suất thêm 5 lần trong năm nay trước áp lực suy thoái. Một số ý kiến còn đặt kỳ vọng Fed sẽ hành động khẩn cấp ngay trong tuần tới.

 (Nguồn: MBS).

Tại thị trường Việt Nam, trước khi ghi nhận hai phiên giảm sâu cuối tuần, chỉ số VN-Index vẫn duy trì trên mốc 1.300 điểm với thanh khoản bình quân hơn 20.000 tỷ đồng. Trong tuần qua, thanh khoản tăng gần 47%, cho thấy dòng tiền vẫn có phần hấp thụ lực bán. Tuy nhiên, việc dòng tiền bị rút ra gần 90.000 tỷ đồng trong hai phiên cuối tuần tiềm ẩn rủi ro lớn, đặc biệt trong bối cảnh chịu áp lực từ yếu tố bên ngoài.

Tính từ đỉnh gần nhất, VN-Index đã giảm gần 130 điểm (-9,5%) và giảm tới 180 điểm (-13,5%) khi chạm đáy 1.160 điểm – mức giảm sâu hơn hầu hết các thị trường trong khu vực Đông Nam Á và cả Mỹ.

Một số yếu tố hỗ trợ như dữ liệu kinh tế vĩ mô quý I/2025, cùng cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump – trong đó Việt Nam khẳng định sẵn sàng đàm phán để đưa thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về 0% – đã phần nào tạo kỳ vọng tích cực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động mạnh, áp lực từ lượng cổ phiếu đã mua tại vùng 1.300 điểm (đặc biệt khi sử dụng đòn bẩy tài chính) có thể tiếp tục tạo rủi ro điều chỉnh, đi kèm khả năng xuất hiện các nhịp bán kỹ thuật.

Nhóm phân tích cho rằng, trong kịch bản cơ bản, thị trường vẫn tiếp tục đối mặt áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Việc theo dõi diễn biến tại các thị trường quốc tế là cần thiết, do các thị trường này thường tạo đỉnh và điều chỉnh sớm hơn – từ đó có thể hình thành vùng cân bằng trước khi mức định giá trở nên đủ hấp dẫn.

Về mặt kỹ thuật, vùng hỗ trợ quanh mốc 1.160 điểm – đáy của tuần trước – là ngưỡng cần theo dõi sát. Nếu VN-Index xuyên thủng vùng này, xu hướng tăng kể từ năm 2020 sẽ bị phá vỡ, đặt nhà đầu tư trước một chu kỳ giảm dài hạn hơn.

MBS khuyến nghị nhà đầu tư nên chủ động xây dựng kịch bản thận trọng, giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn nhạy cảm này.

Về chiến lược giao dịch, trong bối cảnh “bóng ma” thương chiến tiếp tục bao trùm thị trường tài chính toàn cầu, tâm lý bi quan đang chi phối hành vi nhà đầu tư.

Trong xu hướng giảm, yếu tố quản trị rủi ro và cơ cấu danh mục cần được ưu tiên hàng đầu. Nhóm phân tích MBS nhấn mạnh rằng mục tiêu trọng yếu lúc này là bảo toàn vốn, chờ đợi thị trường xác lập đáy rõ ràng để có thể trở lại với tâm thế chủ động hơn.

 (Nguồn: MBS).

 

Xuân Nghĩa