VN-Index rơi thêm gần 80 điểm về sát vùng 1.130, áp lực giải chấp xuất hiện
Đóng cửa
Kết phiên 8/4, VN-Index giảm 77,88 điểm (6,43%) xuống 1.132,79 điểm, HNX-Index giảm 15,93 điểm (7,34%) còn 201,014 điểm, UPCoM-Index giảm 6,63 điểm (7,28%) về 84,5 điểm.
Về cuối phiên chiều, lực bán tiếp tục dâng cao tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến thị trường lao dốc mạnh hơn và VN-Index đóng cửa gần thấp nhất phiên tại 1.132,79 điểm.
Bên bán hoàn toàn áp đảo với 999 mã giảm, trong đó có tới 436 mã nằm sàn, áp đảo so với 78 mã tăng và 82 mã tham chiếu.
Toàn bộ cổ phiếu rổ VN30 giảm, số mã sàn tăng lên con số 24, điển hình như SHB, TPB, TCB, VNM, ACB, BCM, BID, GVR, HPG… SAB cũng không còn giữ được sắc xanh như cuối phiên sáng.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm sàn, “trắng bên mua” như CTG, EVF, HDB, STB, VCB, VIB, ACB, BID, EIB, MBB, VPB, MSB, TCB, TPB và SHB.
Ngành thép duy trì tiêu cực đến cuối phiên với HPG, HSG, NKG, TVN, TLH, VGS, SMC, HMC giảm hết biên độ. Nhóm dệt may cũng chung cảnh ngộ với GIL, EVE, TNG, STK, TCM, VGT, MSH.
Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,3 tỷ cổ phiếu, tương đương 27.379 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên HOSE đạt 25.304 tỷ đồng, giảm gần 40% so với phiên thứ Sáu tuần trước.
Với việc thị trường liên tục lao dốc trong những phiên qua, áp lực bán giải chấp từ công ty chứng khoán đã bắt đầu xuất hiện. Đơn cử, MBS thông báo giải chấp đối với cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch DIC Group và người nhà, với số lượng 400.000 - 1,2 triệu đơn vị, kể từ ngày 8/4.

Diễn biến VN-Index từ 2024 đến 8/4. (Biểu đồ: TradingView).
Kết phiên sáng
Áp lực bán có dấu hiệu hạ nhiệt về cuối phiên sáng, dù vậy sắc đỏ vẫn phủ bóng lên toàn bộ các nhóm ngành. Rổ VN30 diễn biến tiêu cực với 29/30 mã giảm, trong đó TCB, BCM, GVR, HPG, MSN, MWG, VRE dư bán sàn hàng triệu đơn vị, PLX và BVH cũng giảm sàn.
Diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng gây áp lực giảm điểm lớn nhất lên chỉ số với đóng góp giảm gần 27 điểm, kế đó là nhóm bất động sản, chứng khoán, hóa chất.
Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán với 905 mã giảm, 80 mã tăng và 76 mã đứng giá tham chiếu. Toàn thị trường ghi nhận 273 mã giảm kịch biên độ phần nào cho thấy tâm lý bi quan của nhà đầu tư.
Cổ phiếu thép đồng loạt giảm sàn sau khi bị áp thuế chống bán phá giá lên đến 88% vào cuối tuần qua. Cổ phiếu đầu ngành HPG của ông lớn Hòa Phát giảm hết biên độ với khối lượng giao dịch đột biến lên tới hơn 32,5 triệu đơn vị. HSG, VGS, TLH, NKG, SMC chung cảnh ngộ khi không có cầu.
Nhóm cổ phiếu ngành dệt may - một trong những ngành được cho chịu ảnh hưởng tiêu cực trước các chính sách thuế quan - cũng giảm sàn, trắng bên mua, điển hình như GIL, STK, TCM, MSH, TNG…
Thanh khoản sàn HOSE đạt hơn 17.615 tỷ đồng, thấp hơn 35% so với phiên 4/4. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tương đương hơn 921 triệu đơn vị cổ phiếu.
Giao dịch khối ngoại tiếp tục gây sức ép lên phiên sáng nay khi họ bán ròng hơn 1.430 tỷ đồng, trong đó hoạt động rút vốn tập trung tại loạt bluechip như MBB (366 tỷ đồng), FPT (273 tỷ đồng), STB (239 tỷ đồng), VHM (198 tỷ đồng), VNM (134 tỷ đồng)…

Kết quả giao dịch phiên sáng rổ VN30. (Nguồn: SSI).
Tính đến 10h45, VN-Index giảm 75,56 điểm (6,24%) xuống 1.135,11 điểm, HNX-Index giảm 15,01 điểm (6,92%) về 201,96 điểm, UPCoM-Index giảm 5,1 điểm (5,6%) còn 86,03 điểm.
Sắc đỏ phủ bóng trên diện rộng với 880 mã giảm, trong đó có tới 303 mã giảm sàn. Nhóm cổ phiếu bluechip là những tác nhân chính gây ra đà giảm sâu của thị trường khi VN30-Index cũng đánh mất 83,16 điểm (6,49%) về mức 1.197,36 điểm.
Trong rổ VN30, duy nhất SAB giữ được sắc xanh nhẹ với tỷ lệ 0,5%, 29 mã đồng loạt lao dốc, trong đó có tới 19 mã giảm sàn là BVH, CTG, FPT, GAS, HDB, STB, VIB, BCM, GVR, HPG, MBB, MSN, MWG, PLX, SSI, VHM, VPB, VRE, TCB.
Thanh khoản tăng mạnh kể từ đầu phiên sáng, tính đến hiện tại đạt hơn 16.100 tỷ đồng.
Tính đến 9h35, VN-Index giảm 62,18 điểm (5,14%) xuống 1.148,49 điểm, HNX-Index giảm 12,26 điểm (5,65%) còn 204,71 điểm, UPCoM-Index giảm 3,55 điểm (3,9%) về 87,58 điểm.
Điểm qua tuần giao dịch trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến áp lực mạnh mẽ chưa từng có khi VN-Index sụt giảm hơn 100 điểm chỉ trong hai phiên giao dịch. Lực bán ròng kỷ lục từ khối ngoại cùng với tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực do quyết định áp thuế 46% từ Tổng thống Mỹ đã khiến thị trường rơi vào trạng thái cực đoan.
Kết thúc kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tâm lý giao dịch tiêu cực tiếp tục nối dài khi VN-Index mở cửa đã giảm hơn 42 điểm, áp lực bán trùm lên thị trường với toàn bộ nhóm ngành giao dịch trong sắc đỏ.
Sau khoảng 35 phút giao dịch, VN-Index bốc hơi hơn 60 điểm với gần 120 mã giảm sàn. HNX-Index và UPCoM-Index cũng giao dịch tiêu cực với sắc đỏ lan tỏa trên diện rộng.
Các nhóm có vốn hóa lớn gồm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán đang là những lực cản mạnh nhất của thị trường. Riêng bộ ba này đã lấy đi hơn 35 điểm của VN-Index.
Theo dõi giao dịch theo từng mã, các bluechip như VCB, BID, TCB, CTG, FPT, HPG, MBB, GAS, ... đang là nguyên nhân chính khiến thị trường đổ dốc, trong khi sắc xanh của SAB, PGV, KOS, NSC, SVI... không đủ để níu lại sắc xanh cho thị trường.
Trên thị trường quốc tế, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã trải qua một phiên giao dịch đầy biến động khi xuất hiện các thông tin trái chiều về kế hoạch áp thuế đối ứng của Mỹ. Tuy nhiên, đến cuối phiên, Dow Jones và S&P 500 vẫn quay đầu giảm.
Trong phiên 7/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 349 điểm, tương đương 0,91% và đóng cửa với 37.966 điểm. Chỉ số này có lúc bốc hơi hơn 1.700 điểm, sau đó phục hồi gần 2.600 điểm nhưng không thể duy trì. S&P 500 giảm 0,23% và đóng cửa ở mức 5.062 điểm. Nasdaq Composite tăng nhẹ 0,1%, chốt phiên với 15.603 điểm.