Thép Nam Kim lên kế hoạch giảm lãi 21%
Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã: NKG) mới công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Phiên họp dự kiến diễn ra vào sáng ngày 25/4 tại quận Phú Nhuận, TP HCM.
Năm 2025, công ty tôn mạ đặt mục tiêu sản lượng tăng nhẹ lên 1,05 triệu tấn với doanh thu 23.000 tỷ đồng, cao hơn 11% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 440 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với năm 2024.
Ban lãnh đạo cho biết sẽ xây dựng chính sách quản lý hàng tồn kho hợp lý và kiểm soát rủi ro biến động giá hiệu quả, tiết giảm chi phí vận hành và nâng cao vị thế cạnh tranh, phát triển sản phẩm phân khúc tôn mạ cao cấp.
Song song đó còn mở rộng thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhất là thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ; xây dựng dự án trọng điểm - Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ theo tiến độ đề ra.

Chỉ tiêu kinh doanh của Thép Nam Kim. Nguồn: HL tổng hợp.
Do còn hoạt động đầu tư trọng điểm nên Thép Nam Kim tiếp tục không chi trả cổ tức cho năm 2024. Công ty chỉ trích lập các quỹ dự trữ (2%), đầu tư phát triển (3%) và khen thưởng phúc lợi (5%).
Về cổ tức 2025, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ sẽ bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty.
Một nội dung đáng chú ý khác là phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP 2025, sau khi hủy bỏ phương án ESOP 2024 trước đó.
Công ty muốn chào bán tối đa 4,5 triệu cổ phiếu mới (tương đương hơn 1% lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho cán bộ công nhân viên. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần, tương đương số tiền có thể thu về 45 tỷ đồng.
Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng, trong đó 50% số cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm và số còn lại bị hạn chế trong 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Đại hội sắp tới còn bàn về việc bầu ra thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2025-2030. Công ty muốn tinh gọn HĐQT từ 6 xuống còn 5 thành viên, trong khi Ban Kiểm soát vẫn giữ nguyên 3 thành viên.
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Trong đó Thép Nam Kim bị áp mức thuế đến 49,42%.
Ngoài việc đối mặt với thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn phải đối phó với cuộc điều tra Thuế chống trợ cấp (CVD) đang được DOC tiến hành song song.