|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kế hoạch chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là gì? Nhiệm vụ

09:49 | 17/04/2020
Chia sẻ
Kế hoạch chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là một bộ phận cấu thành hệ thống kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Kế hoạch chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là gì? Nhiệm vụ - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Japan-sec.vn)

Kế hoạch chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

Khái niệm

Kế hoạch chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong tiếng Anh tạm dịch là: Economic Restructuring Plan.

Kế hoạch chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là một bộ phận cấu thành hệ thống kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nó xác định các mục tiêu, chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu ngành cần đạt tới trong kì kế hoạch gắn với kế hoạch tăng trưởng kinh tế và các giải pháp chính sách nhằm thực hiện các mục tiêu đặt ra.

Chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch chuyển dịch cơ cấu là xác định tỉ trọng của mỗi ngành cần đạt được trong tổng GDP kì kế hoạch. Các chỉ tiêu trong kế hoạch cần đảm bảo phản ánh đúng xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành đặt ra, phản ánh đúng trình độ phát triển của nền kinh tế cần hướng tới.

Nhiệm vụ

Mặc dù xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành là mang tính chất qui luật khách quan, nhưng trong thực tế không có một mô hình chuyển dịch chung cho tất cả các nước. 

Do đó, nhà nước cần can thiệp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế thông qua việc xây dựng kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiệm vụ đặt ra cho kế hoạch chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là:

- Xác định các điều kiện, yếu tố và quan điểm chi phối sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bao gồm: 

Đánh giá xu hướng chuyển dịch quá khứ và thực trạng cơ cấu ngành kinh tế tại thời điểm làm kế hoạch (kì gốc), điều tra, khảo sát, dự báo diễn biến cung, cầu thị trường, sự phát triển khoa học công nghệ, phân công lao động, các yếu tố nguồn lực,... 

Đây chính là cơ sở để đưa ra các hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Xác định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu phản ánh quan hệ tỉ lệ giữa các ngành cho đảm bảo phù hợp với xu thế biến đổi chung và phản ánh được đặc điểm của nền kinh tế trong những điều kiện cụ thể.

- Xác định hướng huy động và sử dụng các yếu tố đầu vào đặc biệt là cơ cấu vốn đầu tư và cơ cấu lao động nhằm đảm bảo được cơ cấu đầu ra theo hướng đã xác định.

- Đề xuất các chính sách, giải pháp kinh tế - xã hội cần thiết để hướng dẫn hoạt động nền kinh tế sao cho đáp ứng được các yêu cầu sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế.

(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019) 

Tuyết Nhi