|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ không áp thuế quan trả đũa như Canada mà có chiến lược riêng

08:54 | 03/02/2025
Chia sẻ
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tránh leo thăng căng thẳng thương mại với Mỹ bằng cách áp thuế quan "ăn miếng, trả miếng" như Canada. Thay vào đó, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường chi tiêu tài khóa và điều chỉnh tỷ giá để bù đắp ảnh hưởng tiêu cực từ thuế quan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Business Insider). 

Tính toán của Trung Quốc

Giống như lời đe dọa trước đó, vào ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế quan 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada. Thuế quan dự kiến sẽ có hiệu lực vào lúc 0h01 sáng ngày 4/2 (theo giờ địa phương).

Chỉ sau vài giờ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ đáp trả bằng cách áp thuế quan 25% lên 107 tỷ USD hàng hóa Mỹ, còn Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng thông báo nước này sẽ phản ứng bằng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan.

So với hai quốc gia trên, Trung Quốc có phản ứng trầm lặng hơn. Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra một tuyên bố thể hiện sự “không hài lòng” và khẳng định sẽ có “các biện pháp đối phó tương ứng” mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Trung Quốc cũng cho biết nước này sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới và kêu gọi Mỹ “quản lý sự khác biệt giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, đảm bảo lợi ích giữa hai bên và tôn trọng lẫn nhau”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nhiều công cụ để đối phó với chính sách thương mại của Mỹ bên cạnh việc áp thuế quan trả đũa. Nhà kinh tế cấp cao Gary Ng của ngân hàng Natixis chỉ ra rằng các lựa chọn của ông Tập bao gồm áp lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với các loại khoáng sản quan trọng và hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của một số doanh nghiệp Mỹ.

Sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Trung Quốc đã ban hành một số luật để chính phủ có quyền lực lớn hơn đối với các giao dịch kinh doanh trong nước vì lý do an ninh quốc gia. Dẫu vậy, tình hình hiện nay của Trung Quốc phức tạp hơn so với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đầu tiên, cả về mặt trong và ngoài nước.

Trước đây Trung Quốc là mục tiêu hàng đầu của ông Trump, nhưng nay đồng minh của Mỹ là Canada còn bị áp mức thuế quan cao hơn. Nhiều khả năng trong thời gian tới ông Trump sẽ tiếp tục chĩa mũi dùi vào những nước khác, bao gồm Liên minh châu Âu.

Điều đó sẽ tạo ra cơ hội để Trung Quốc củng cố quan hệ thương mại với những quốc gia khác và giúp các nhà xuất khẩu nước này duy trì lợi thế cạnh tranh.

Nền kinh tế nội địa của Trung Quốc cũng bấp bênh hơn trước. Bloomberg Economics ước tính đợt thuế quan đầu tiên của ông Trump có thể loại bỏ 40% hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, khiến GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mất 0,9%.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Goldman Sachs nhận định 10% thuế quan bổ sung có nguy cơ khiến tốc độ tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc giảm 50 điểm cơ bản trong năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng lưu ý rằng động thái mới đây của ông Trump “ít nghiêm trọng hơn những gì Trung Quốc và thị trường lo sợ”. 

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs viết trong lưu ý ngày 3/2: “Nếu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc quả thực đã chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất thì nhiều khả năng tạm thời họ sẽ phản ứng một cách kiềm chế và điều chỉnh hành động sau này nếu cần”.

Trong vài năm qua, xuất khẩu đã đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Bắc Kinh kích thích lĩnh vực sản xuất để bù đắp sự suy yếu của ngành bất động sản. Từ trước khi ông Trump áp thuế quan, các nhà kinh tế đã dự kiến Trung Quốc sẽ gia tăng chi tiêu tài khóa để đẩy lùi áp lực giảm phát và khuyến khích tiêu dùng. Tình thế hiện tại càng đòi hỏi Bắc Kinh hành động mạnh mẽ hơn.

Theo ông Larry Hu, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Macquarie, phản ứng của Trung Quốc với thuế quan của Mỹ sẽ chủ yếu tập trung vào nội địa. Ông dự đoán Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP “khoảng 5%” cho năm 2025 - tương tự như năm 2024 - và các quan chức sẽ hành động để bù đắp ảnh hưởng tiêu cực từ thuế quan của Mỹ.

Vị chuyên gia cho biết: “Chúng tôi dự đoán chủ đề chính về Trung Quốc năm 2025 sẽ là cuộc giằng co giữa thuế quan và kích thích kinh tế. Nếu nền kinh tế tiếp tục giảm tốc trong những tháng tới, có thể Trung Quốc sẽ thực hiện thêm đợt kích thích nữa vào quý II”.

Dấu hiệu từ nhân dân tệ

Theo tờ Bloomberg, Trung Quốc thường chỉ theo đuổi phương án “ăn miếng, trả miếng” với động thái thương mại của nước ngoài sau khi thuế quan được ban hành thành luật. Sự kiềm chế này giúp mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán kín. Sau cuộc điện đàm tháng trước, ông Tập và ông Trump cam kết sẽ duy trì đối thoại.

Ông Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết một trong những dấu hiệu về phản ứng chính sách của Trung Quốc có thể là đợt ấn định tỷ giá trung tâm tiếp theo của đồng nhân dân tệ. Thị trường Trung Quốc đang đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán và sẽ làm việc trở lại vào ngày 5/2.

Tháng trước, đồng nội tệ của Trung Quốc đã lần đầu tiên thủng mốc tâm lý 7,3 nhân dân tệ đổi 1 USD kể từ cuối năm 2023. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc sẵn sàng để nhân dân tệ mất giá để hỗ trợ cho xuất khẩu.

Ông Josh Lipsky, Giám đốc cấp cao của tổ chức GeoEconomics Center thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, chỉ ra rằng phần lớn mức tăng của thuế quan có thể được hấp thụ thông qua tỷ giá hối đoái. Ông nói tiếp: “Đó là lý do lời lẽ phản ứng của Bắc Kinh sẽ gay gắt, nhưng động thái trả đũa kinh tế của họ có thể sẽ nhẹ nhàng hơn”.

Giang