Hệ thống tài chính của Trung Quốc đang chịu áp lực nghiêm trọng
Tin đồn và thị trường trái phiếu chính phủ
Trong năm qua, những tin đồn xoay quanh các trung tâm tài chính lớn dường như đã gây ra nhiều vấn đề trên thị trường trái phiếu Trung Quốc.
Các tin đồn này thường xuất hiện dưới dạng những bài đăng ngắn trên mạng xã hội với mục đích giải thích cách thức hoạt động của hệ thống tài chính Trung Quốc, theo Economist.
Một lần, người dùng mạng xã hội loan tin ngân hàng trung ương Trung Quốc đang truy tìm những nhà đầu cơ đã thực hiện “giao dịch bất hợp pháp” trên thị trường trái phiếu.
Một tin đồn khác nói sàn giao dịch hợp đồng tài chính tương lai Trung Quốc, nơi mua và bán các hợp đồng tương lai trái phiếu, đã tăng phí để hạn chế khối lượng giao dịch.
Các cơ quan quản lý cảnh báo đó là những thông tin hư cấu và nên bỏ qua. Nhưng theo Economist, khó có thể chê trách những người dùng mạng xã hội đang cố gắng tìm hiểu lý do lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc giảm sâu.
Hiện tại, lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đạt khoảng 1,65%, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức thấp kỷ lục và đã giảm đáng kể so với mức 2,8% một năm trước.
Ở hầu hết các quốc gia, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang chuẩn bị cho một đợt giảm phát và trì trệ kéo dài giống như Nhật Bản vài thập kỷ trước. Hãng nghiên cứu Capital Economics so sánh diễn biến của thị trường trái phiếu Trung Quốc với thị trường Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nguyên nhân nào đè nặng thị trường trái phiếu?
Tuy nhiên, không bài đăng nào trên mạng xã hội có thể gói gọn những nguyên nhân đã đẩy lợi suất đi xuống.
Economist nhận thấy yếu tố đầu tiên bắt nguồn từ việc bất động sản - tài sản quan trọng nhất tại Trung Quốc - mất giá nghiêm trọng và giờ đây tác động sâu rộng đến toàn thị trường. Hệ thống tài chính khép kín của Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Áp lực thể hiện rõ nhất ở các ngân hàng Trung Quốc, một trong những bên mua trái phiếu chính phủ lớn nhất.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà đất, Bắc Kinh kêu gọi các chính quyền địa phương mua lại lượng lớn nhà ế. Theo một số ước tính, Trung Quốc có đến 60 triệu căn hộ chưa bán được.
Để thực hiện kế hoạch đó, giá căn hộ cần phải giảm mạnh trên quy mô lớn thì các chính quyền địa phương mới có thể đàm phán mua nhà. Trong một số trường hợp, giá sẽ phải giảm hơn 50%.
Giá nhà giảm là niềm vui đối với những người mua nhà lần đầu, nhưng không phải các ngân hàng. Ngân hàng sử dụng những căn hộ chưa bán được và quỹ đất của các nhà phát triển làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Do đó, giá nhà giảm là một cơn ác mộng đối với ngân hàng.
Ngay cả những thay đổi nhỏ cũng buộc ngân hàng phải đánh giá lại chất lượng của các khoản vay. Giá nhà giảm đột ngột sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ. Điều này không chỉ làm giảm lợi nhuận từ các khoản vay, mà còn yêu cầu ngân hàng phải chi thêm tiền để làm bộ đệm, khiến lợi nhuận càng thu hẹp.
Rắc rối của thị trường bất động sản chỉ là một trong những vấn đề gây áp lực lên các ngân hàng. Vào năm 2015, các hộ gia đình đã đẩy mạnh đi vay, thường dưới hình thức vay mua nhà. Thời điểm đó, các khoản vay mua nhà chiếm khoảng 43% mức tăng trưởng cho vay, trong khi doanh nghiệp và các tổ chức nhà nước mỗi bên chiếm 28%.
Song, bức tranh đã thay đổi đáng kể. Hoạt động vay nợ của các hộ gia đình đã sụp đổ trong đại dịch và phục hồi khá chậm. Một cuộc khảo sát của nhà phân tích độc lập Jason Bedford trên hơn 230 ngân hàng cho thấy các khoản vay thuộc nhóm này chỉ chiếm 1% mức tăng trưởng cho vay năm 2023.
Và trên thực tế, trong nửa đầu năm 2024, nhu cầu vay mới của các hộ gia đình Trung Quốc dường như đã giảm. Nhu cầu đi vay của các hộ gia đình giảm sút là điều đáng báo động.
Trên thực tế, các doanh nghiệp đang vay nợ ngày càng nhiều. Các công ty nhỏ đặc biệt quan tâm đến tín dụng và họ được hưởng lợi từ mức lãi suất thấp mà chính phủ chỉ đạo áp dụng - dù rủi ro vỡ nợ ngày càng tăng.
Ở diễn biến khác, tiền gửi ngân hàng và kéo theo đó là tiền lãi đã tăng vọt. Khi giá nhà giảm, người dân Trung Quốc thường ngần ngại đầu tư vào bất động sản hơn.
Và sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 2023 đã khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tránh xa cổ phiếu. Tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng hiện là lựa chọn ưa thích của nhiều người tiết kiệm.
Đừng nên trông chờ
Theo Economist, các xu hướng nói trên không thực sự bền vững.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã buộc phải cắt giảm lãi suất tiền gửi vào năm ngoái và dự kiến sẽ sớm thực hiện động thái tương tự trong tương lai.
Do đó, tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng nhà nước đang trả lãi suất 1,6% một năm, thấp hơn con số hơn 4% của 5 năm trước.
Tuy nhiên, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng vẫn giảm mạnh.
NIM của Bank of Shanghai chỉ còn 0,9% vào tháng 3/2024, Xiamen International Bank còn 0,6% vào tháng 6/2024. Cả hai đều đang tụt xuống những mức thấp nguy hiểm.
Không còn nhiều tài sản an toàn để tìm đến, các ngân hàng đã đổ xô vào thị trường trái phiếu chính phủ, khiến lợi suất giảm xuống. Vì hệ thống tài chính Trung Quốc chưa mở cửa để cho phép dòng tiền chảy ra, lợi suất trái phiếu chính phủ gần như chắc chắn vẫn sẽ duy trì ở mức thấp.
Đội quân nhà đầu tư nhỏ lẻ của Trung Quốc đang hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy định giá thị trường chứng khoán bằng cách trực tiếp mua cổ phiếu và kích thích mạnh mẽ nền kinh tế.
Các động thái như vậy sẽ cho phép nhà đầu tư quay trở lại thị trường chứng khoán, giúp giảm bớt áp lực lên thị trường trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, ngay cả khi Bắc Kinh hành động, tác động có thể vẫn ở mức khiêm tốn.
Lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024. Mức giảm mạnh hơn nhiều so với năm 2022, khi Trung Quốc đang tê liệt vì các lệnh phong toả.
Hơn nữa, nếu Bắc Kinh cố gắng giúp thị trường chứng khoán bùng nổ, khoảng cách ngày càng lớn giữa định giá cổ phiếu và các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp sẽ chỉ tạo tiền đề cho cú sập tiếp theo của thị trường.
Một giải pháp khác mà Trung Quốc có thể cân nhắc là tăng nguồn cung trái phiếu chính phủ. Bắc Kinh có vẻ đã hành động theo hướng này, khi lượng trái phiếu phát hành vào tháng 12/2024 đạt mức cao kỷ lục 1.800 tỷ nhân dân tệ (tương đương 250 tỷ USD).
Phần lớn lượng trái phiếu phát hành mới là để hỗ trợ các chính quyền địa phương xoay xở nợ nần của riêng họ. Trong tương lai, nếu Bắc Kinh muốn phát hành thêm trái phiếu, họ sẽ phải tăng chi tiêu chính phủ hoặc cắt giảm thuế.
Mặc dù công chúng vẫn chưa rõ kế hoạch của chính phủ ở vấn đề này, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc đã tuyên bố vào ngày 10/1 rằng chính sách tài khoá của nước này sẽ “rất năng động” trong năm 2025.
Một biện pháp khác để giảm áp lực cho thị trường trái phiếu là nới lỏng kiểm soát vốn, một phần vì nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của người Trung Quốc cực kỳ cao. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Trung Quốc càng xấu đi thì việc này càng khó thực hiện.
Trên hết, Bắc Kinh muốn tránh tình trạng dòng vốn tháo chạy khỏi đất nước. Đó là lý do tại sao trên thực tế, chính phủ có nhiều khả năng sẽ thắt chặt quy định kiểm soát vốn hơi là nới lỏng chúng trong năm nay - bất kể lợi suất trái phiếu chính phủ giảm thấp như thế nào.