Triển vọng cổ phiếu công nghệ, viễn thông năm 2025 qua lăng kính của các công ty chứng khoán
Ngành công nghệ sở hữu nhiều tiềm năng tăng trưởng dài hạn
Báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2025 của SSI Research cho thấy, các cổ phiếu ngành công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông tăng 140% trong năm 2024, vượt trội hơn so với VN-Index (tăng 12%), hưởng lợi từ xu hướng nâng định giá hệ số P/E, tương đồng với các công ty công nghệ trên thế giới.
Xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2023, nhờ tâm lý tích cực về triển vọng trí tuệ nhân tạo (AI) (đặc biệt là AI tạo sinh hoặc generative AI).
CTCP FPT tiếp tục dẫn đầu về kết quả doanh thu và lợi nhuận, và đà tăng trưởng này có thể được tiếp diễn trong năm 2025.
Các dự án liên quan đến AI đang giúp thúc đẩy chi tiêu CNTT toàn cầu. Theo công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ Mỹ Gartner, chi tiêu CNTT toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng thêm 9,3% trong năm 2025 (so với 7,2% trong năm 2024), trong đó generative AI sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính.
Là một thành phần quan trọng cho phát triển hạ tầng AI, chi tiêu trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2025 (tăng 15,5%).
SSI Research nhận thấy xu hướng tương tự đối với phần mềm và dịch vụ CNTT. Đặc biệt đối với dịch vụ CNTT, sau giai đoạn dè dặt trong việc chi tiêu trong năm 2023 và đầu năm 2024, nhóm phân tích kỳ vọng chi tiêu sẽ phục hồi trong năm 2025. Với lợi thế chi phí thấp, báo cáo nêu kỳ vọng điều này sẽ hỗ trợ cho FPT.
Báo cáo ngành công nghệ mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa đánh giá tích cực với lĩnh vực này.
KBSV nêu quan điểm rằng chi tiêu cho CNTT toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng với hoạt động sản xuất hồi phục tại các nền kinh tế lớn là chất xúc tác chính. Các tổ chức nghiên cứu thị trường đưa ra nhận định tích cực với triển vọng tăng trưởng cho chi tiêu công nghệ năm 2025, với dự báo của Gartner và Canalys lần lượt là 9,3%, 8,3%.
Trong năm 2025, các thị trường xuất khẩu phần mềm chính của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ xu hướng tăng cường đầu tư cho công nghệ.
Đối với từng thị trường động lực tăng trưởng sẽ khác nhau gồm: đặc thù kinh tế tăng trưởng cao của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thúc đẩy chuyển đổi số, làn sóng dịch chuyển sản xuất tại Hoa Kì sẽ gia tăng chi tiêu cho các dịch vụ công nghệ, ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ thúc đẩy chi tiêu tại thị trường EU.
Lợi thế về lao động giúp Việt Nam tiếp tục thu hút các khách hàng lớn. Tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào lợi thế về lực lượng lao động trẻ với số lượng lớn và sẵn sàng thích nghi với các yêu cầu mới.
Trong dài hạn, việc ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo mới sẽ cải thiện hiệu suất làm việc và năng lực cạnh tranh của dịch vụ doanh nghiệp, qua đó củng cố tăng trưởng doanh thu.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng CNTT sẽ tiếp tục tăng trưởng và các tín hiệu cho việc nâng cao năng lực sản xuất thông qua áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp, KBSV cho rằng các doanh nghiệp sẽ ghi nhận sự hồi phục trong kết quả kinh doanh, trong đó một số sẽ bứt phá nhờ sở hữu lợi thế về công nghệ.
Hoạt động viễn thông dự kiến tăng trưởng nhờ đẩy mạnh data certer
Theo SSI Research, do sự bão hòa của thị trường viễn thông, một số công ty đã áp dụng thành công các biện pháp cắt giảm chi phí trong năm 2024, hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận trước thuế. Đối với Viettel Global (Mã: VGI), công ty tiếp tục có sự tăng trưởng từ thị trường nước ngoài.
Đối với Viettel Construction (Mã: CTR), mặc dù doanh thu tăng trưởng hai chữ số, biên lợi nhuận trước thuế đã bị thu hẹp (chủ yếu từ mảng hạ tầng cho thuê và xây dựng).
Báo cáo của SSI cho biết, thị trường viễn thông Việt Nam đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong năm 2024 bằng việc chính thức thương mại hóa mạng 5G.
Vào ngày 15/10/2024, cùng với việc Việt Nam ngừng hỗ trợ dịch vụ thuê bao 2G Only, Viettel, nhà cung cấp mạng di động hàng đầu đã trở thành nhà tiên phong trong việc thương mại hóa 5G. Mạng 5G ban đầu được hỗ trợ bởi hơn 6.500 trạm BTS (trạm thu phát sóng di động) trên khắp các tỉnh và thành phố.
Theo đó, VNPT cũng nối gót thương mại hóa 5G ngày 20/12/2024. Nhóm phân tích kỳ vọng MobiFone cũng sẽ thương mại hóa công nghệ di động tiên tiến này, theo sau Viettel và VNPT. Cụ thể, MobiFone đã cung cấp chương trình trải nghiệm 5G miễn phí từ tháng 11/2024.
Thương mại hóa 5G đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng và kinh tế số. Công nghệ 5G đã được coi là một phần quan trọng trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Với tốc độ tải xuống/tải lên cao hơn và độ trễ thấp hơn so với 4G, đây là những yếu tố quan trọng của 5G để thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, dữ liệu lớn và blockchain.
Cùng với điện toán đám mây, AI, IoT, dữ liệu lớn và blockchain cũng là những công nghệ quan trọng trong chuyển đổi số. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu mạng 5G sẽ phủ sóng hơn 99% dân số vào năm 2030.
Với triển vọng này, nhóm phân tích kỳ vọng mật độ trạm BTS cao hơn trong thời gian tới để đáp ứng công nghệ 5G, điều này sẽ có lợi cho Towerco cũng như Viettel Contruction nói riêng.
Trung tâm dữ liệu cũng sẽ là động lực tăng trưởng của mảng viễn thông. Cụ thể, mặc dù có tốc độ internet trung bình, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ so với các quốc gia khác trong khu vực APAC. Hơn nữa, nguồn cung chưa đủ để đáp ứng nhu cầu quốc gia (theo KPMG), điều này cho thấy thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam trong giai đoạn 2024-2029 dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13%. SSI Reserch cho rằng chủ quyền dữ liệu, các quy định về quyền riêng tư và tham vọng chuyển đổi số quốc gia sẽ là những động lực thúc đẩy nhu cầu chính.
Một số công ty về trung tâm dữ liệu đáng chú ý bao gồm Viettel IDC (dẫn đầu thị trường), VNPT, FPT Telecom (Mã: FOX) và CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (Mã: CMG).
Báo cáo chiến lược mới đây của Agriseco, data center có tốc độ tăng cao nhờ nhu cầu về lưu lượng dữ liệu tại Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh các nền tảng công nghệ phát triển (4G, 5G, AI, IoT, Bigdata); các chính sách của Chính phủ giúp đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng data center. Kỳ vọng doanh thu các công ty viễn thông đang mở rộng quy mô data center sẽ tăng trưởng khoảng 11-15% mỗi năm.
Bên cạnh đó, hệ thống mạng được thương mại 5G kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ tại Việt Nam, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2025, mạng 5G có thể đóng góp vào tăng trưởng GDP từ 7,3 - 7,4%.
Theo đó, Agriseco dự báo các doanh nghiệp viễn thông và xây lắp hạ tầng 5G sẽ được hưởng lợi tích cực trong tương lai nhờ tỷ lệ và số lượng thuê bao sử dụng internet gia tăng.