Tồn kho ở mức thấp, Trung Quốc sẽ tăng mua tiêu trở lại trong năm 2025?
Xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc chạm đáy 9 năm
Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trái ngược với xu hướng gia tăng mạnh mẽ từ Mỹ và EU, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm 2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm qua, chỉ đạt 10.549 tấn, trị giá 32,15 triệu USD, giảm tới 82,4% về lượng và 76,6% về trị giá so với năm 2023.
Đáng chú ý, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc thậm chí còn thấp hơn cả năm 2022, thời điểm mà nước này đóng cửa vì đại dịch COVID-19.
Kết quả này khiến Trung Quốc từ khách hàng tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 tụt xuống vị trí số 5 trong năm 2024. Đồng thời thị phần giảm xuống còn 4,2% so với mức 22,6% của năm trước.
VPSA cho biết, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm do chịu tác động bởi nhiều yếu tố.
Một trong các nguyên nhân chính là sự suy giảm kinh tế Trung Quốc vào những tháng đầu năm dẫn tới việc người dân thắt chặt chi tiêu (du lịch, ăn uống) dẫn đến nhu cầu giảm.
Ngoài ra, năm 2023 Trung Quốc đã nhập khẩu một lượng lớn hồ tiêu, bước sang năm 2024 do giá tăng mạnh đột biến, có thời điểm giá nội địa Trung Quốc rẻ hơn giá ở Việt Nam nên hàng tồn kho được đem ra tiêu thụ.
Thực tế cho thấy, nhập khẩu tiêu của Trung Quốc thời gian qua phụ thuộc khá nhiều vào biến động giá cả. Trong giai đoạn giá tiêu tăng cao và đạt đỉnh từ năm 2010 – 2015, Trung Quốc chỉ nhập khẩu số lượng hạn chế từ vài trăm đến vài nghìn tấn mỗi năm từ Việt Nam.
Tuy nhiên, khi giá tiêu bắt đầu hạ nhiệt và lao dốc trong giai đoạn 2016 – 2020, Trung Quốc đã đẩy mạnh thu mua. Cụ thể, nước này nhập khẩu 57.523 tấn tiêu từ Việt Nam vào năm 2019 và 56.050 tấn vào năm 2020, tăng hơn 18 lần so với năm 2015. Nhờ đó, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam.
Thế nhưng, khi giá tiêu có dấu hiệu phục hồi trong giai đoạn 2021 – 2022, nhập khẩu tiêu của Trung Quốc lại sụt giảm mạnh. Đến năm 2023, khi giá tiêu quay đầu giảm, Trung Quốc mới tăng nhập khẩu trở lại. Bước sang năm 2024, giá tiêu đạt mức cao nhất trong 8 năm, Trung Quốc lại một lần nữa không tham gia nhiều vào thị trường.
Xu hướng này không chỉ xảy ra với hồ tiêu mà còn được ghi nhận ở một số mặt hàng nông sản khác xuất khẩu sang Trung Quốc, như gạo và cao su, trong năm qua.
Ngoài các yếu tố kể trên, theo VPSA việc Hải quan Trung Quốc thắt chặt chính sách mua bán hàng qua biên giới nên một số đầu mối nhập khẩu của Trung Quốc bị bắt hoặc không dám mua hàng. Điều này cũng dẫn đến lượng tiêu xuất khẩu qua đường mậu biên giảm 25,2% từ mức 94,2% của năm 2023 xuống còn 69% của năm 2024.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng cường thu mua từ nước khác như Indonesia do giá cạnh tranh hơn so với Việt Nam.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2024, nhập khẩu hồ tiêu chính ngạch của nước này đạt 10.346 tấn, trị giá 55,8 triệu USD, tăng 12,6% về lượng và 40,3% về trị giá so với năm 2023.
Chủ yếu là do nhập khẩu từ Indonesia đạt 5.742 tấn, tăng mạnh 41,8% và chiếm đến 55,5% thị phần.
Tiếp đến, nhập khẩu tiêu chính ngạch của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 3.376 tấn, tăng nhẹ 0,5% so với năm 2023. Tuy nhiên, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu tiêu của Trung Quốc đã giảm xuống còn 32,6% so với mức 36,6% của năm 2023.
Năm 2024, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc tăng đến 31,8% lên mức bình quân 5.191 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu xuất khẩu của Indonesia vào Trung Quốc chỉ tăng 20,1%, đạt bình quân 5.228 USD/tấn.
Chênh lệch giá tiêu xuất khẩu của hai quốc gia đã thu hẹp đáng kể từ 415 USD/tấn năm 2023 xuống chỉ còn 37,9 USD/tấn năm 2024.
Tồn kho ở mức thấp, Trung Quốc sẽ sớm mua tiêu trở lại?
Trong báo cáo mới đây, VPSA cho biết, năm 2024, Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam nhưng tăng nhập khẩu từ Indonesia. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu tăng này vẫn chưa đủ đáp ứng tổng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc.
Tồn kho hồ tiêu tại thị trường này đang ở mức thấp, trong khi kỳ vọng giá giảm không thành hiện thực khi giá duy trì ổn định trong suốt 3 tháng qua. Dự báo, Trung Quốc có thể sẽ chờ đến vụ thu hoạch chính của Việt Nam (sau Tết Nguyên đán) để bắt đầu mua trở lại.
Trước đó, trong báo cáo mùa vụ của Nedspice, công ty này cho biết Trung Quốc gần như chỉ sản xuất tiêu trắng và được trồng trên đảo Hải Nam của nước này.
Vụ thu hoạch kết thúc vào tháng 8/2024 đã chứng kiến sản lượng tiêu của nước này giảm 15%. Vài tuần sau, các khu vực trồng tiêu đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão lớn. Do đó, sản lượng vụ mùa năm 2025 của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm.
Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng tiêu của Trung Quốc đã giảm đáng kể trong những năm qua, từ mức 30.000 tấn năm 2021 xuống còn 25.000 tấn năm 2024.
Tuy nhận được nhiều kỳ vọng nhưng một số nhận định lại cho rằng nhu cầu nhập khẩu tiêu của Trung Quốc vẫn là một ẩn số. Bởi thực tế trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc chỉ tham gia thị trường khi giá giảm và không mua nhiều trong giai đoạn giá ở mức cao.