Xuất khẩu sầu riêng tăng 28 lần trong 5 năm qua, dư địa tăng trưởng vẫn còn nhiều
Xuất khẩu sầu riêng tăng vọt
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 7,15 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử ngành hàng và tăng 27,6% so với năm 2023.
Trong đó, sầu riêng đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng 44,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, với khối lượng đạt 918.960 tấn, kim ngạch cao kỷ lục hơn 3,2 tỷ USD, tăng 46% về lượng và 43,2% về kim ngạch so với năm 2023.
Như vậy, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng 28 lần chỉ trong 5 năm gần đây, từ mức khiêm tốn 116 triệu USD của năm 2020 lên 3,2 tỷ USD trong năm 2024.
Sầu riêng của Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc kể từ khi Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch từ giữa năm 2023. Bên cạnh sầu riêng tươi, hồi tháng 8 năm ngoái, nước này cũng “mở cửa” cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh cửa Việt Nam.
Trung Quốc cũng đang là thị trường tiêu thụ sầu riêng chủ yếu của Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng 42,7% so với năm 2023 và chiếm đến gần 91% trong tổng xuất khẩu sầu riêng của cả nước.
Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng sang nhiều thị trường khác cũng tăng mạnh trong vừa qua như: Thái Lan đạt 189,1 triệu USD, tăng 80,3% và chiếm 5,9%; Hong Kong đạt 24,5 triệu USD, tăng 16,9%; Papua New Guinea tăng 283,3%; Đài Loan tăng 24,3%; Nhật Bản tăng 91,1%; Hàn Quốc tăng 18,9%; Australia tăng 34,5%...
Hiện sầu riêng tươi chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam và sầu riêng đông lạnh chiếm 6,7%. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn xuất khẩu các loại sầu riêng chế biến ở dạng sấy khô, xay nhuyễn ..., tuy nhiên, giá trị xuất khẩu ở mức thấp, không đáng kể.
Giá xuất khẩu bình quân sầu riêng năm 2024 đạt mức 3.496 USD/tấn, giảm 1,9% so với năm 2023.
Vẫn còn dư địa tăng trưởng
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết sầu riêng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong năm 2025 nhờ sản lượng có thể tiếp tục tăng.
“Năm 2025, mặt hàng này vẫn còn dư địa tăng trưởng khi sản lượng dự kiến tăng khoảng 15% nhờ việc người dân trồng gối đầu. Bên cạnh đó, người dân một số vùng trồng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên biết cách tăng năng suất. Cá biệt có một số vườn ghi nhận năng suất khoảng 30 tấn/ha, cao gấp đôi so với thông thường. Ngoài ra, nhiều mã số vùng trồng dự kiến được cấp cho các vườn trong năm nay, đủ điều kiện để xuất khẩu”, ông Nguyên cho biết.
Còn theo Bộ Công Thương đến nay, Việt Nam đã có 15 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là: sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải, chanh dây và dừa tươi.
Trong đó, sầu riêng, thanh long... của Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản nhập khẩu từ ASEAN.
Mặc dù vậy, ngành sầu riêng Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Bởi ngoài đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan, trong thời gian qua Trung Quốc đã mở cửa nhập khẩu sầu riêng từ hàng loạt các quốc gia khác trong khu vực như Philippines, Malaysia, và đang đàm phán với Indonesia.
Bên cạnh đó, theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng làm giả mã số vùng trồng, giả ủy quyền sử dụng mã số vùng trồng, giả giấy kiểm dịch thực vật, giả giấy kiểm nghiệm chất lượng trái cây, trong đó có sầu riêng để xuất khẩu. Đây là vấn đề nhức nhối, cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương để kiểm soát chặt chẽ, giải quyết triệt để, tránh hệ lụy cho cả ngành hàng.
Theo ghi nhận, đã có 55 mã số vùng trồng và 44 cơ sở đóng gói sầu riêng của Tiền Giang bị tạm dừng xuất khẩu.
Thời gian gần đây Trung Quốc cũng đang siết chặt kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu. Ngày 10/1, Cục Bảo vệ thực vật cho biết vừa nhận được cảnh báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối với lô hàng trái cây tươi (bao gồm sầu riêng và mít) xuất khẩu từ Việt Nam và nước này không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, theo thông tin từ Tạp chí điện tử Nông thôn Việt, doanh nghiệp sầu riêng Việt Nam đang gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc do quy định kiểm tra chất vàng O. Nhiều lô hàng bị trả lại, gây thiệt hại lớn cho ngành xuất khẩu.
Quy định kiểm tra chất vàng O được Trung Quốc áp dụng sau khi phát hiện một số lô sầu riêng Thái Lan nhiễm hóa chất này vào cuối năm 2024. Sự thay đổi đột ngột đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không kịp chuẩn bị, dẫn đến tình trạng hàng hóa bị trả lại hoặc chờ đợi lâu tại cửa khẩu.
Không chỉ Trung Quốc tăng cường kiểm tra và có những cảnh báo, từ ngày 8/1, EU cũng nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20%.