|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường gạo năm 2024: Được mùa được giá, xuất khẩu gạo thắng lớn

16:27 | 20/01/2025
Chia sẻ
2024 là một năm được mùa được giá của ngành gạo Việt Nam với xuất khẩu đạt mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này được dự báo sẽ khó duy trì trong năm 2025 do giá gạo lao dốc, nhu cầu thị trường suy yếu và cạnh tranh gia tăng giữa các nguồn cung cấp.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 9 triệu tấn gạo trong năm 2024, thu về 5,67 tỷ USD, tăng 11,1% về lượng và tăng đến 21,2% về kim ngạch so với năm 2023. Đây là khối lượng và kim ngạch xuất khẩu kỷ lục trong lịch sử ngành gạo. Đồng thời 2024 cũng là năm thứ 5 liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu gạo ghi nhận tăng trưởng dương.

Trong tháng 12, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam tiếp tục giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 624 USD/tấn. Mặc dù vậy, tính chung trong cả năm 2024, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục mới là 627 USD/tấn, tăng 9,1% so với năm 2023. 

Các thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á và châu Phi như: Philippines, Indonesia, Malayssia, Ghana… Trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường kể trên đều tăng so với năm 2023.

Mặc dù đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam cũng đồng thời là quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới vào năm ngoái chỉ sau Indonesia và Philippines, với khối lượng ước tính đạt kỷ lục 3,8 triệu tấn, tăng 500.000 tấn so với năm 2023.

USDA cho biết, ước tính này dựa trên tốc độ nhập khẩu mạnh hơn nhiều so với dự kiến ​​vào cuối năm 2024. Campuchia là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Việt Nam, chủ yếu vận chuyển gạo chưa xay xát và được xay xát hoàn toàn tại Việt Nam để xuất khẩu hoặc sử dụng trong nước. Ấn Độ là nhà cung cấp lớn thứ hai, với mặt hàng chủ yếu là gạo lứt. 

 

Sau khi đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024, xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Nguyên nhân là do nhu cầu suy yếu trong khi cạnh tranh gia tăng giữa các nước sản xuất.

Tính đến nửa đầu tháng 1/2025, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua do nhu cầu suy yếu, trong khi giá gạo Ấn Độ vẫn ổn định gần mức thấp nhất trong 17 tháng và Thái Lan chạm đáy kể từ tháng 4/2023.

Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, dư địa cho xuất khẩu gạo năm 2025 còn rất ít trong bối cảnh mức nền của năm 2024 vốn đã ở mức cao trong khi có quá nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến thị trường, đặc biệt là khi Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo.

Trong hai năm qua, tồn kho của Ấn Độ lớn vì họ siết chặt việc xuất khẩu gạo ra toàn cầu. Do đó thời gian tới, khi nước này nới lỏng các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực đối với các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa trước khi vào vụ thu hoạch, giá gạo Việt tương đối cao nên nhiều nhà nhập khẩu dịch chuyển sang các nước khác để mua hàng sớm hơn.

Trong năm 2025, giá gạo có thể thấp hơn năm 2023 - 2024 và có khả năng thấp hơn cả năm 2022 hoặc chỉ cao hơn một chút. Dịp cuối năm dương lịch đến nay nhiều quốc gia trồng lúa  lớn bước vào mùa vụ thu hoạch, trong đó có Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân khiến giá gạo Việt Nam sụt nhanh.

Tại Philippines, nhiều ngày qua chính phủ nước này đã siết chặt vấn đề giá gạo nên các bộ ngành đang tăng cường rà soát lại thị trường.

Các nhà nhập khẩu cũng đang thận trọng để đảm bảo tuân thủ các vấn đề pháp lý khi các đoàn thanh tra đến dẫn đến việc họ hạn chế nhập các đơn hàng mới. Đồng thời tâm lý của các nhà nhập khẩu cũng có nhiều nguồn mới nên họ cũng không vội ký với Việt Nam. Do đó đơn hàng cuối năm ký giao trong dịp đầu năm nay cũng không quá nhiều. Các thương nhân đánh giá năm nay nguồn hàng cũng khá dồi dào.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Nguyễn Ngọc Nam, cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo đạt 7,5 triệu tấn trong năm nay, giảm so với mức kỷ lục 9,04 triệu tấn vào năm ngoái.

Chi tiết báo cáo thị trường gạo năm 2024 tại đây

 

 

Hoàng Hiệp