|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kế hoạch phát triển giáo dục là gì? Đặc điểm

12:06 | 14/04/2020
Chia sẻ
Kế hoạch phát triển giáo dục là một bộ phận cấu thành trong hệ thống kế hoạch xã hội.
Kế hoạch phát triển giáo dục là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Xaluan)

Kế hoạch phát triển giáo dục

Khái niệm 

Kế hoạch phát triển giáo dục trong tiếng Anh tạm dịch là: Educational development plan.

Kế hoạch phát triển giáo dục là một bộ phận cấu thành trong hệ thống kế hoạch xã hội, nó hướng hoạt động giáo dục theo các mục tiêu xác định trước, cân đối phối hợp nhịp nhàng các hoạt động giáo dục, bảo đảm các hoạt động giáo dục đạt được hiệu quả cao nhất.

Đặc điểm

So với kế hoạch phát triển xã hội khác, kế hoạch phát triển giáo dục có những đặc điểm, đặc trưng sau đây:

- Thứ nhất, tính chất vượt lên trước. 

Đào tạo, bồi dưỡng nhân tài mà xã hội cần chính là nhiệm vụ chính của kế hoạch giáo dục. Việc đào tạo nhân tài có tính lâu dài, thông thường đào tạo một cán bộ có trình độ văn hóa hết phổ thông trung học cần 12 năm và một cán bộ có trình độ đại học cũng cần tối thiểu 4-5 năm nữa. 

Tính chất lâu dài của đào tạo nhân tài là nguyên nhân quan trọng của việc kế hoạch giáo dục phải vượt lên trước.

- Thứ hai, tính chất lâu dài. Do việc đào tạo nhân tài đòi hỏi thời gian tương đối dài, do tính chu kì dài của đầu tư giáo dục, kế hoạch giáo dục thông thường lấy kế hoạch trung hạn, dài hạn làm chính. 

Điều đó đòi hỏi kế hoạch giáo dục cùng với chính sách và biện pháp giáo dục phải có tính liên tục và tính ổn định để bảo đảm cho hoạt động giáo dục đạt được hiệu quả tốt đẹp.

- Thứ ba, tính chất phục vụ kinh tế. 

Ngày nay khoa học kĩ thuật ngày càng trở thành lực lượng sản xuất đang trực tiếp đầu tư phát triển nhân lực có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Còn việc đầu tư nhân lực có hiệu quả lớn hay nhỏ, mấu chốt là ở trình độ và sự phát triển của giáo dục. 

Vì vậy, mặc dù xếp giáo dục vào phạm trù xã hội nhưng tính kinh tế của nền giáo dục là không thể phủ nhận được. 

Thông qua giáo dục, đầu tư cho giáo dục sẽ thu được đầu ra mong muốn, người lao động nắm được tri thức văn hóa và kĩ thuật chuyên môn phù hợp với đòi hỏi của phát triển kinh tế từ đó hình thành được năng lực sản xuất to lớn, thúc đẩy kinh tế phát triển. 

Ảnh hưởng của giáo dục đối với phát triển ngày càng trực tiếp, tính kinh tế của giáo dục biểu hiện ra trong kế hoạch giáo dục ngày càng rõ rệt.

(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019)

Tuyết Nhi