|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lập dự toán của các cơ quan hành chính Nhà nước là gì?

19:29 | 03/07/2020
Chia sẻ
Lập dự toán của các cơ quan hành chính Nhà nước là quá trình phân tích, đánh giá, tổng hợp, lập dự toán nhằm xác lập các chỉ tiêu thu chi của cơ quan, đơn vị dự kiến có thể đạt được trong năm kế hoạch.
Lập dự toán của các cơ quan hành chính Nhà nước là gì? - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: productcoalition)

Lập dự toán của các cơ quan hành chính Nhà nước

Khái niệm

Lập dự toán của các cơ quan hành chính Nhà nước là quá trình phân tích, đánh giá, tổng hợp, lập dự toán nhằm xác lập các chỉ tiêu thu chi của cơ quan, đơn vị dự kiến có thể đạt được trong năm kế hoạch, đồng thời xác lập các biện pháp chủ yếu về kinh tế - tài chính để đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu đã đề ra.

Ý nghĩa của việc lập dự toán

Trong qui trình quản tài chính của các cơ quan Nhà nước, lập dự toán là khâu mở đầu, bắt buộc phải thực hiện trong quá trình quản tài chính. Nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cụ thể là:

- Thứ nhất, thông qua việc lập dự toán để đánh giá khả năng và nhu cầu về tài chính của các cơ quan, đơn vị, từ đó phát huy tính hiệu quả đồng thời hạn chế những trở ngại trong quá trình sử dụng tài chính của các cơ quan, đơn vị.

- Thứ hai, theo nguyên tắc quản tài chính, chi phải dựa trên thu mà thu và chi trong các cơ quan Nhà nước không phải là đồng nhất với nhau về mặt thời gian, có những lúc có nhu cầu chi nhưng chưa có thu và ngược lại. Do đó, cần có kế hoạch thu và chi để các nhà quản có thể chủ động điều hành cơ quan, đơn vị.

- Thứ ba, dự toán là cơ sở để cơ quan, đơn vị thực hiện. Lập dự toán là hoạt động thiết lập kim chỉ nam cho quá trình thực hiện dự toán. 

Do đó lập dự toán có vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức của một đơn vị, nó là cơ sở dẫn dắt quá trình thực hiện dự toán của đơn vị sau này. Việc lập dự toán cũng là tiêu chí để đánh giá hiệu quả việc thực hiện dự toán trong các cơ quan Nhà nước.

Yêu cầu của việc lập dự toán

Mục tiêu cơ bản của việc lập dự toán trong một cơ quan, đơn vị là nhằm phân tích, đánh giá các khoản thu, chi tài chính trên cơ sở khoa học và thực tiễn, đưa ra các chỉ tiêu thu, chi tài chính sát với thực tế sao cho có hiệu quả nhất. Điều đó đòi hỏi việc lập dự toán phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Phải phản ánh đầy đủ chính xác các khoản thu, chi dự kiến theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức của nhà nước

- Việc lập dự toán phải theo từng lĩnh vực thu và lĩnh vực chi

- Phải đảm bảo nguyên tắc cân đối, chi phải có nguồn đảm bảo

- Lập dự toán phải đúng theo nội dung, biểu mẫu quy định, đúng thời gian, phải thể hiện đầy đủ các khoản thu chi theo Mục lục Ngân sách Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính gửi kịp thời cho các cơ quan chức năng của nhà nước xét duyệt

- Dự toán được lập phải kèm theo các báo cáo thuyết minh rõ cơ sở, căn cứ tính toán.

(Tài liệu tham khảo: Quản lí tài chính trong các cơ quan hành chính Nhà nước, Bộ Nội vụ)

Diệu Nhi